MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc.Ảnh: XUÂN HẢI

Cần cách chức cán bộ, đảng viên tổ chức “tiệc tùng” để vụ lợi

XUÂN HẢI LDO | 21/12/2016 12:00
Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định số 55-QĐ/TW về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên. Quy định nêu rõ: Nghiêm cấm việc lợi dụng tổ chức giao lưu, liên hoan,... để ăn uống, “tiệc tùng”, tặng, nhận quà, với động cơ vụ lợi.
Trao đổi với Lao Động về vấn đề này, PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (ảnh) - nhấn mạnh: Cơ quan, đơn vị nào có cán bộ, đảng viên vi phạm quy định cấm thì phải có hình thức kỷ luật, nặng nhất là cách chức. Có như vậy quy định trên của Bộ Chính trị mới được thực hiện nghiêm túc.

PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc cho biết: Tôi cho rằng Quy định số 55-QĐ/TW của Bộ Chính trị về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên ra đời rất kịp thời và có ý nghĩa thiết thực. Hiện tại, chúng ta đang triển khai Nghị quyết (NQ) Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Vì vậy, Bộ Chính trị ban hành quy định này là bước cụ thể hóa NQ trên. Quy định trên nhằm chấn chỉnh phong cách lối sống của cán bộ, đảng viên, sẽ gắn với việc chúng ta đang triển khai Chỉ thị 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nếu thực hiện đồng bộ Nghị quyết, Chỉ thị và Quy định này vào thực tiễn sẽ có ý nghĩa thiết thực và mang hiệu quả rất lớn.

Những biểu hiện suy thoái về đạo đức lối sống của người cán bộ, đảng viên đã được Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII “điểm trúng huyệt” và nay Bộ Chính trị đã đưa ra quy định cụ thể như vậy sẽ đem lại ý nghĩa, hiệu quả như thế nào, thưa ông?

- Theo tôi, quy định này có ý nghĩa rất lớn, nhằm chấn chỉnh phong cách của người cán bộ lãnh đạo quản lý ở các cấp, chứ không phải chỉ ở người cán bộ bình thường. Ở đây cần phải nhấn mạnh đến “văn hóa của người lãnh đạo quản lý”. Quy định này được ban hành nếu thực hiện tốt sẽ chấn chỉnh được cách cư xử, lối sống của người cán bộ, lãnh đạo. Tôi nhấn mạnh, trong mắt của nhân dân thì người lãnh đạo phải có tư cách, tư thế văn hóa, chứ không sa đà vào ăn chơi, chè chén. Người lãnh đạo mà nhận quà cáp biếu xén của cấp dưới sẽ mất đi tư cách, nhân cách và nói thẳng là cấp dưới họ sẽ không phục.

Việc Bộ Chính trị ban hành quy định này sẽ làm cho cán bộ, đảng viên có chức, có quyền tự phải điều chỉnh hành vi của mình, trong quan hệ giữa người lãnh đạo và nhân viên, giữa cấp trên với cấp dưới và quan hệ của mình với nhân dân. Tôi nhấn mạnh đến tính tiên phong gương mẫu của người cán bộ là rất quan trọng, từ những hành động nhỏ nhất, cụ thể nhất. Một hành động của anh có tính gương mẫu dù nhỏ nhất sẽ có tác dụng hơn nhiều bài phát biểu mang tính lý thuyết, giáo điều. Ngoài ra, nếu làm tốt quy định này sẽ tiết kiệm lớn về thời gian và tiền bạc cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là từng cơ quan đơn vị phải thực hiện nghiêm túc quy định này.

Vậy làm thế nào để từng cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên thực hiện nghiêm túc quy định này?

- Tôi cho rằng, để thực hiện tốt quy định này, trong mỗi cơ quan, đơn vị phải phát huy vai trò của người đứng đầu, gắn việc thực hiện quy định với công tác thi đua khen thưởng của từng cá nhân trong cơ quan để bình bầu cuối năm.

Tuy nhiên, tôi cho rằng điều quan trọng nhất vẫn là ý thức của mỗi cán bộ, đảng viên phải tự giác, tự rèn luyện ý thức sống văn hóa. Thậm chí phải thấy xấu hổ khi lĩnh lương từ tiền thuế của dân mà ăn chơi bê tha. Do vậy, mỗi cán bộ, đảng viên cần thay đổi cả về suy nghĩ và nếp sống.

Bộ Chính trị đã đưa ra quy định này nhằm ngăn chặn lối sống xa hoa, tham nhũng trong mỗi cán bộ, đảng viên. Đây cũng chính là biện pháp để ngăn chặn sự suy thoái đạo đức, lối sống của người cán bộ.

Quy định đã có nhưng cán bộ, đảng viên vẫn vi phạm thì xử lý như thế nào, thưa ông?

- Theo tôi, Bộ Chính trị đã có quy định cấm nhưng nếu đơn vị, cơ quan nào có cán bộ, đảng viên vi phạm thì phải có hình thức kỷ luật, nặng nhất là cách chức. Có như vậy quy định mới được thực hiện nghiêm túc. Qua đó cần siết chặt kỷ luật bằng pháp luật và kỷ luật đảng. Đồng thời, quy định này cũng nhằm giáo dục, nâng cao ý thức tự giác của mỗi cán bộ đảng viên để chấn chỉnh lối sống, đạo đức của người cán bộ lãnh đạo có nếp sống văn hóa ở mọi lúc, mọi nơi.

Như việc Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Chỉ thị các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước các cấp quán triệt, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ không chúc tết, tặng quà lãnh đạo, yêu cầu các địa phương không về Hà Nội chúc tết Chính phủ, các bộ, ngành. Việc này được nhân dân rất đồng tình, ủng hộ. Điều này cho thấy quyết tâm của Thủ tướng Chính phủ mong muốn xây dựng một Chính phủ hành động, kiến tạo, liêm chính, phục vụ phát triển, phục vụ nhân dân. Để làm được điều này, đòi hỏi sự đồng tâm, hiệp lực của tất cả các thành viên Chính phủ và sự giám sát của các tầng lớp nhân dân, góp phần chống tham nhũng, tiêu cực, giúp ngày tết trở về với ý nghĩa nhân văn đích thực.

Xin cám ơn ông.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn