MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
GS-TS Trần Ngọc Đường - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam.

Cần thực hiện theo tinh thần “Những việc cần làm ngay” của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh

​XUÂN HẢI LDO | 28/02/2017 06:37
GS-TS Trần Ngọc Đường - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam - đã nói như vậy với Lao Động về việc bà Hồ Thị Kim Thoa - Thứ trưởng Bộ Công Thương - và người thân ruột thịt của bà Thoa sở hữu số tài sản cổ phần ở Cty cổ phần bóng đèn Điện Quang lên đến hơn 600 tỉ đồng.

GS-TS Trần Ngọc Đường nói: Tôi rất đồng tình với chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu các cơ quan chức năng khẩn trương kiểm tra, thanh tra, xem xét, kết luận những nội dung mà các bài báo đã nêu việc bà Hồ Thị Kim Thoa - Thứ trưởng Bộ Công Thương - và người thân sở hữu số cổ phần tại Cty bóng đèn Điện Quang lên đến hơn 600 tỉ đồng khiến dư luận xôn xao và những vấn đề khác có liên quan, sớm báo cáo kết quả với Ban Bí thư. Đó là những việc cần làm ngay.

Việc Tổng Bí thư chỉ đạo đã thể hiện sự quan tâm của người đứng đầu Đảng đến những vụ việc cụ thể, góp phần đưa đường lối chính sách của Đảng, cũng như Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đi vào cuộc sống.

Trong nhiều bài viết của mình, tôi cũng đề xuất, Đảng và Nhà nước nên thực hiện lại tinh thần “Những việc cần làm ngay” của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã thực hiện từ Đại hội lần thứ VI 
của Đảng.

Việc lập lại tinh thần “Những việc cần làm ngay” sẽ giải quyết kịp thời nhanh chóng, đến nơi đến chốn những vụ việc như Trịnh Xuân Thanh, góp phần lấy lại lòng tin của nhân dân.

Thưa ông, có ý kiến cho rằng, bà Hồ Thị Kim Thoa khi giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Công Thương - cơ quan quản lý thì không được tham gia cổ phần tại Cty CP bóng đèn Điện Quang. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

- Theo tôi, việc bà Hồ Thị Kim Thoa cùng người thân của mình sở hữu số cổ phần lên đến hơn 600 tỉ đồng tại Cty CP bóng đèn Điện Quang là quá lớn. Để làm rõ việc cổ phần này đúng hay sai thì phải chờ các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra và kết luận rõ ràng. Tuy nhiên, qua vụ việc này, tôi cho rằng cần phải công khai, minh bạch quá trình cổ phần hóa tại các doanh nghiệp và phải quy định cụ thể bằng các văn bản pháp luật.

Tức là hiện nay chúng ta vẫn có “lỗ hổng” trong cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thưa ông?

- Lỗ hổng về chính sách, pháp luật, theo tôi đó là, còn thiếu những quy định cụ thể, nhất là công khai hóa cổ phần như thế nào, công khai việc mua cổ phần, định giá tài sản như thế nào khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước?. Cần xem xét bổ sung cụ thể quy định, chế tài để tài sản của Nhà nước không bị thất thoát khi cổ phần hóa doanh nghiệp 
nhà nước.

Vừa qua, Tổng Bí thư cũng đã yêu cầu Ban cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu, rà soát các quy định của pháp luật có liên quan để sớm sửa đổi hoặc kiến nghị việc sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện các quy định, khắc phục những hạn chế trong công tác quản lý; lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phòng, chống thất thoát tài sản của Nhà nước, ngăn ngừa tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm trong quá trình thực hiện cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước. Bên cạnh đó, tôi cho rằng cần phải có cơ chế giám sát việc kê khai tài sản của cán bộ, đảng viên có chức, có quyền để xem tài sản của người kê khai do đâu mà có, chứ không phải yêu cầu kê khai tài sản rồi 
để đấy.

Trong 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ cần được ngăn chặn, đẩy lùi của Nghị quyết T.Ư 4 khóa XII có biểu hiện kê khai tài sản, thu nhập không trung thực. Vậy theo ông, cần có giải pháp như thế nào để ngăn chặn việc này?

- Tôi đọc trên các phương tiện thông tin đại chúng, thấy rằng bà Hồ Thị Kim Thoa năm nào cũng có kê khai tài sản. Tuy nhiên, tôi băn khoăn, việc kê khai số tài sản lớn như thế tại sao người đứng đầu cơ quan đó không đặt câu hỏi? Tiền ở đâu mà một cá nhân lại có nhiều như thế?

Do vậy, cần phải quy định cụ thể cơ chế giám sát việc kê khai tài sản trong Luật Phòng, chống tham nhũng, đồng thời phải quy định rõ đối tượng nào phải công khai việc kê khai tài sản. Tôi ví dụ, trước khi giữ cương vị cao hoặc người giữ chức vụ lãnh đạo phải công khai tài sản qua phương tiện thông tin đại chúng hoặc mạng nội bộ cơ quan, đơn vị như đưa lên mạng Internet của bộ, ngành về kê khai tài sản của mình để mọi người biết tài sản của anh có những gì. Và khi có yêu cầu giải trình thì anh phải chứng minh được tài sản của anh là minh bạch, số tài sản đó là do mồ hôi, công sức của anh làm ra được chứ không phải do tham nhũng mà có. Nếu không chứng minh được nguồn gốc số tài sản sau kê khai thì đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc để làm rõ và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Việc công khai tài sản sau kê khai trên các trang mạng điện tử như vậy sẽ minh bạch mọi tài sản, thu nhập của người lãnh đạo để không chỉ cơ quan, tổ chức có thẩm quyền biết mà toàn xã hội đều biết để giám sát, có như vậy người dân 
mới tin.

- Xin cảm ơn ông!

 XUÂN HẢI thực hiện

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn