MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Bùi Văn Cường tại buổi đối thoại với công nhân KCN Biên hòa (Đồng Nai). Ảnh: lê lâm

Chính phủ của đổi mới, hành động

Xuân Hải LDO | 25/07/2016 07:30
Từ ngày 26 - 28.7, Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV sẽ tiến hành bầu Thủ tướng Chính phủ, phê chuẩn đề nghị việc bổ nhiệm các Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng và các thành viên Chính phủ (nhiệm kỳ 2016 - 2021). Trước đó, bộ máy mới của Chính phủ (do Quốc hội khóa XIII phê chuẩn từ tháng 4.2016) sau hơn 3 tháng vận hành cho thấy, đây là Chính phủ của đổi mới, hành động, nói ít, làm nhiều. 

Chính phủ đang đi đúng hướng

Đánh giá về Chính phủ khóa mới sau 3 tháng vận hành, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.Hồ Chí Minh) cho rằng Chính phủ khoá mới chính là một Chính phủ hành động, nói ít 
làm nhiều.

Ông Ngân nhấn mạnh: Tôi nghĩ với 3 tháng vẫn còn quá ngắn để đánh giá, tuy nhiên thị trường cũng đã nhìn nhận một xu hướng hoạt động của Chính phủ khoá mới là tốt, giúp nhân dân thấy được hình ảnh của một Chính phủ hành động, rất quyết liệt và đã nhìn thẳng vào những khó khăn, thách thức của mình, đối diện với những điều đó để tìm cách giải quyết. “Thủ tướng, các Phó Thủ tướng cũng đi khắp các tỉnh thành để gặp gỡ, chia sẻ với doanh nghiệp, khuyến khích việc khởi nghiệp, tìm cách làm sao để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh… Tất cả những cái đó Chính phủ đang làm rất tốt, thị trường đã nhìn thấy điều này nên vốn đầu tư vào thị trường tài chính, thị trường chứng khoán cũng tăng điểm so với đầu năm. Như vậy cho chúng ta thấy Chính phủ đang đi đúng hướng, vấn đề là phải tự tin đi tiếp con đường đã đi, dù còn nhiều khó khăn” - ông Ngân nói.

Chính phủ dám nghĩ, dám làm

Còn đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên - Huế) cho rằng do yêu cầu, nhiệm vụ chính trị, tại kỳ họp thứ 11, QH khóa XIII đã tiến hành kiện toàn nhân sự mới cho bộ máy của Chính phủ. Ông Nghĩa cho biết: Trải qua 3 tháng, thời gian chưa phải là nhiều, rất khó để đánh giá toàn diện ngay năng lực điều hành của từng thành viên Chính phủ. Tuy nhiên, bước đầu tôi đánh giá cao Chính phủ đã có giải pháp quyết liệt, tập trung vào những vấn đề bức xúc mà dư luận và nhân dân đang quan tâm. Quyết tâm hành động của Chính phủ được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, đó là: Xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, Chính phủ hành động, Chính phủ phục vụ, trong sạch, liêm chính, chống tham nhũng, chống lãng phí. Đặc biệt, Chính phủ mới còn chú trọng tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn, người dân có thể làm những gì mà pháp luật không cấm. Tập trung hơn nữa cho công tác cải cách thể chế, xây dựng chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh.

Theo ông Nghĩa, không chỉ bằng lời nói, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chủ trì hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2016 chủ đề “Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế đất nước”, đưa ra nhiều nhóm giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp, đồng thời các tư lệnh ngành cũng cam kết đồng hành với doanh nghiệp. Hay như sự việc cá chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung (Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế), trước sự ứng phó chậm và lúng túng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã xin nhận khuyết điểm. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát tất cả những dự án công nghiệp liên quan đến hoạt động xả thải, nếu có vi phạm thì xử lý theo quy định.

Ông Nghĩa nhìn nhận, từ những sự việc trên, có thể thấy, cá nhân Thủ tướng, các Phó Thủ tướng và các vị tư lệnh ngành đều bắt tay nhanh vào công việc, thể hiện sự nỗ lực, cố gắng từng ngày, từng giờ trên cương vị mới.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thăm hỏi ngư dân tỉnh Quảng Trị và chỉ đạo các biện pháp giải quyết khó khăn sau vụ cá chết ở ven biển miền Trung. Ảnh: T.L

Nhiều thách thức cho Chính phủ nhiệm kỳ mới

Nói về những thách thức đối với Chính phủ mới, ông Ngân cho biết, phải thẳng thắn mà nhìn nhận rằng Chính phủ trong nhiệm kỳ mới sẽ có rất nhiều thách thức.

Thứ nhất là nợ công đã sát mức trần nên việc tiếp tục sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước sẽ gặp khó khăn. Thách thức thứ hai là áp lực về cải thiện môi trường, mà môi trường hiện nay đòi hỏi phải được kiểm duyệt, kiểm tra một cách chặt chẽ, như vậy dẫn đến làm cản ngại đầu tư nước ngoài. Thứ ba là nền nông nghiệp Việt Nam đang bị ảnh hưởng rất lớn bởi biến đổi khí hậu, bởi thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, nhưng điều lo ngại nhất là chúng ta có tới 65% dân số sống ở nông thôn nên ảnh hưởng lớn đến vấn đề an sinh xã hội, công ăn việc làm cho người dân…

Tuy nhiên, ông Ngân cũng chỉ rõ bên cạnh thách thức trên, chúng ta cũng có rất nhiều cơ hội. Cụ thể như: Thứ nhất, chúng ta giữ được kinh tế vĩ mô ổn định mà trong 5 năm qua chúng ta đã kỳ công đầu tư để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Thứ hai, chúng ta có một Chính phủ mới hết sức quyết tâm, một Chính phủ hành động, mạnh mẽ trong cải cách hành chính, chủ động tiến hành tái cơ cấu nền kinh tế, mà tái cơ cấu đó chúng ta đã triển khai trong 3 năm vừa qua nên nó tạo được bước đệm mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn. Thứ ba, vốn đầu tư nước ngoài vẫn chọn Việt Nam là điểm đến, do đó, trong 6 tháng đầu năm, đầu tư nước ngoài vẫn tăng lên. Thứ tư, luật pháp về môi trường đầu tư kinh doanh đã được hoàn thiện, từ đó giúp cho công việc khởi nghiệp ngày càng tăng, bằng chứng là trong 6 tháng đầu năm, nhiều doanh nghiệp mới xin đăng ký thành lập, không những tăng về số lượng mà tăng cả về vốn đăng ký, nhiều doanh nghiệp tạm thời đóng cửa ngừng hoạt động thì giờ họ đã mở cửa 
trở lại.

Như vậy để thấy rằng, bên cạnh khó khăn, thách thức, chúng ta có quá nhiều cơ hội, vấn đề là chúng ta phải tự tin hơn và xử lý dứt điểm những vấn đề còn tồn tại.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn