MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các đại biểu thảo luận tại hội trường sáng nay.

Chọn kịch bản tái cơ cấu kinh tế quyết liệt mới tăng được thu nhập cho dân

M.H LDO | 02/11/2016 16:46
Các đại biểu Quốc hội cho rằng cần tái cơ cấu kinh tế một cách quyết liệt, cơ bản mới có thể tạo ra đột phá trong nền kinh tế, tăng cường chất lượng sống và thu nhập cho người dân.

Thảo luận tại hội trường sáng nay về tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020, Đại biểu Phạm Phú Quốc, đoàn  TPHCM nêu ra những con số thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam với các nước lân cận để so sánh: Thu nhập bình quân của Việt Nam hiện mới khoảng 2.100 USD, trong khi của Thái Lan là 5.800 USD, các nước xung quanh như Malaysia, Indonesia cũng cao hơn hẳn so với Việt Nam. Đại biểu cho rằng, có thể nhận ra nhiều hạn chế của 30 năm tăng trưởng kinh tế, trong đó có việc can thiệp hành chính vào nền kinh tế, thiếu quy hoạch các ngành, địa phương, thiếu thể chế tạo điều kiện giám sát và phản biện của các tổ chức đoàn thể với những thể chế kinh tế.

Trong khi đó người dân cần tăng trưởng gắn với bền vững môi trường và tầm nhìn dài hạn, tăng cường vị  thế độc lập chủ động về kinh tế, không phụ thuộc nền kinh tế khác và  đem lại chất lượng sống tăng, phồn thịnh hạnh phúc cho người dân.

Về hai kịch bản tái cơ cấu kinh tế: Tái cơ cấu quyết liệt hay đẩy mạnh tái cơ cấu, đại biểu Phạm Phú Quốc đề nghị chọn kịch bản  tái cơ cấu quyết liệt. Ông lý giải, kịch bản này phù hợp với phương châm chính phủ hành động, thứ hai với lượng tiền đầu tư toàn xã hội 10 triệu tỉ đồng thì cần có các biện pháp tái cơ cấu cơ bản và chỉ có kịch bản này mới có thể đẩy mạnh thu nhập bình quân đầu người.

Đại biểu đề nghị xác lập cộng đồng doanh nghiệp là đối tác của Chính phủ, tạo nên một trụ cột vững chắc của nền kinh tế. Nhằm phát triển kinh tế tư nhân, bên cạnh việc sáng tạo khởi nghiệp, hình thành doanh nghiệp vừa và nhỏ, đại biểu đề nghị Chính phủ ủng hộ các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, đảm bảo thương hiệu, quy mô, thị phần doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế.  

Tương tự, đại biểu Lê Quân, đoàn Hà Nội cũng đồng ý với việc tái cơ cấu kinh tế quyết liệt và cơ bản một số khâu, trong đó  3 khâu quan trọng để giải phóng nguồn lực trong dân: Thứ nhất, cần mạnh dạn thoái vốn tại các DNNN, chỉ giữ những DN quan trọng để đảm bảo an ninh quốc phòng,  an sinh phúc lợi. “Tôi không dùng từ cổ phần hóa mà dùng từ thoái vốn, không nên coi một số DNNN là những con bò sữa của ngân sách, sau thoái vốn các con bò sữa này sẽ cho vốn nhiều hợn do hoạt động hiệu quả hơn, đóng thuế nhiều hơn” – đại biểu nói. Thoái vốn sẽ giúp  thay vốn nhà nước bằng vốn tư nhân, hiện nay vốn trong dân, trong ngân hàng nhiều nhưng thiếu cơ hội đầu tư. Chính phủ nên ưu tiên dùng vốn nhà nước cho đầu tư hạ tầng, phát triển nhân lực để tạo đột phá.

Thứ hai, cần đầy mạnh hợp tác công tư, vì hiện giải pháp này còn mờ nhạt, trong khi hợp tác công tư giúp nhanh chóng thu hút nguồn lực xã hội vào dịch vụ công, tạo đột phá cho phát triển hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ giáo dục, văn hóa, y tế, du lịch… Hình thức này thời gian qua đã thu hút nhiều  nguồn lực xã hội vào phát triển hạ tầng, lỗi không phải do BOT mà do quản lý chưa tốt dẫn dến phí và giá chưa tương xứng với chất lượng.

Thứ ba, trong Đề án cần mạnh dạn đánh giá lại các đơn vị sự nghiệp công lập, việc giao tự chủ với các đơn vị công lập mới chỉ giải quyết một phần, nên đánh giá lại. Với những đơn vị tự chủ, phát triển tốt thì giao tự chủ phát triển, tiếp tục đầu tư còn những đơn vị khác chồng chéo, nguồn thu chủ yếu cho thuê tài sản công thì nên cổ phần hóa,  tạo điều kiện cho tư nhân đầu tư trong lĩnh vực này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn