MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Kênh Ba Bò ô nhiễm nặng, bốc mùi hôi thối. Ảnh: M.Q

Chưa biết khi nào kênh Ba Bò mới hết mùi hôi?

MINH QUÂN LDO | 05/07/2017 12:51
Sáng 5.7, tại phiên thảo luận hội trường trong khuôn khổ kỳ họp thứ 5 HĐND TPHCM khóa IX, ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường TP cho biết, phải chờ đến cuối năm nay mới xong dự án thu gom nước thải sinh hoạt khu dân cư gần kênh Ba Bò.

GĐ Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM Nguyễn Toàn Thắng thừa nhận, hiện nay kênh Ba Bò vẫn còn mùi hôi. Nguyên nhân là trong các nguồn thải từ Bình Dương xả thải trực tiếp vào kênh Ba Bò còn có 6 khu dân chưa đầu tư hệ thống thu gom và xử lý nước thải. Theo ông Thắng, dự kiến cuối năm nay, Bình Dương sẽ hoàn thành hệ thống thu gom nước thải các khu dân cư này.

GĐ Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM Nguyễn Toàn Thắng.  Ảnh: M.Q

Sau khi nghe GĐ Sở TNMT trình bày, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng, dự án kênh Ba Bò chậm tiến độ đã làm ảnh hưởng lớn đến hiệu quả và mục tiêu giải quyết ô nhiễm môi trường của dự án. Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị TP phải có kế hoạch cụ thể phối hợp với tỉnh Bình Dương để giải quyết dứt điểm nguồn thải xả ra kênh.

Ông Nguyễn Toàn Thắng cho rằng, tuy dự án kéo dài nhưng đây là giải pháp căn cơ giải quyết ô nhiễm kênh Ba Bò. “Khi công trình hoàn thành và vận hành hồ sinh học xử lý nước thải thì nước trên kênh sẽ hết mùi hôi” – ông Thắng khẳng định.

Chưa yên tâm với câu trả lời của ông Thắng, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm tiếp tục chất vấn: “Mình có cam kết với người dân là cuối năm nay giải quyết xong ô nhiễm, hết mùi hôi không?”. Thay vì cam kết, ông Thắng chỉ trả lời rằng: "Sẽ cố gắng hết sức".

Được đề nghị giải trình rõ hơn về tiến độ và hiệu quả dự án, Giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập TP Nguyễn Ngọc Công cho biết, TPHCM chịu trách nhiệm bổ sung hồ điều tiết và hồ sinh học xử lý nước sinh hoạt cho kênh Ba Bò. Ông Công giải thích sở dĩ dự án kéo dài cả chục năm do phải điều chỉnh tới 4 lần liên quan đến nhân sự, hạ tầng kỹ thuật… và đền bù giải tỏa kéo dài. Ông cho biết, đang chuẩn bị những công đoạn cuối để vận hành hồ sinh học xử lý nước thải. Khi đó, TPHCM sẽ kiểm soát được lượng nước vào hồ điều tiết và chất lượng nguồn nước nhờ hệ thống quan trắc tự động.

Giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập TP Nguyễn Ngọc Công.  Ảnh: M.Q

“Tuy nhiên, không biết Bình Dương xây xong hết các dự án liên quan chưa nhưng ban tối thấy nước đen, hôi. Không biết doanh nghiệp có xả thải lén hay không, chứ ban ngày nước trong hơn, không có mùi hôi” – ông Công đặt vấn đề.

Trước thông tin này, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm thắc mắc, hồ sinh học chỉ xử lý nước thải sinh hoạt, vậy nếu nước thải công nghiệp vào có hư hồ không? Hồ hư thì ai chịu trách nhiệm?

Ông Nguyễn Ngọc Công cho rằng, nước nước thải công nghiệp tràn vào thì sẽ hư hồ sinh hoạt. Hiện tại, để đảm bảo an toàn, hồ sinh học và hồ điều tiết được cách ly bởi rào chắn. “Hồ sinh học chỉ xử lý nước thải sinh hoạt. Chúng tôi làm đập ngăn hai hồ. Trung tâm sẽ báo cáo TP trước khi vận hành”, ông Công nói.

Bổ sung ý kiến của chủ đầu tư, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, về việc kiểm soát nguồn thải vào hồ sinh học, chính quyền TP sẽ tiếp tục làm việc với tỉnh Bình Dương trên cơ sở những cam kết trước đây của 2 địa phương. Ông Nguyễn Thành Phong cho rằng, vấn đề quan trọng nhất là kiểm soát nguồn thải các doanh nghiệp trong khu công nghiệp và các cơ sở sản xuất trong khu dân cư.

Ông Nguyễn Toàn Thắng cho biết, kênh Ba Bò có diện tích hơn 1.600ha, trong đó hơn 1.400ha thuộc địa bàn Bình Dương. Hiện kênh Ba Bò tiếp nhận trực tiếp từ 3 nguồn thải lớn của Bình Dương, trong đó nhiều nhất là KCN Sóng Thần 1, 2. Đối với 2 KCN này, trong cơ chế phối hợp với TPHCM, từ 2008 Bình Dương đã đề nghị 2 KCN này phải lắp khu xử lý nước thải tập trung. Nguồn thải lớn thứ 2 là các DN ngoài KCN trực thuộc Bình Dương với 36 cơ sở. Ngoài ra, còn có 6 cụm dân cư Bình Dương cũng xả thải trực tiếp ra kênh Ba Bò.


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn