MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với bộ, ngành liên quan về an toàn thực phẩm.

Có tỉnh kiểm tra 1.000 cơ sở nhưng chỉ xử phạt 2

X.Hải - V.Thắng LDO | 15/02/2017 18:33
Sáng 15.2, tại Hà Nội, Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và Bộ Y tế cùng một số cơ quan có liên quan về “Việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011- 2016”.

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục vệ sinh an toàn thực phẩm, Bộ Y tế - cho hay, hiện nay, tình trạng sử dụng chất cấm để nhuộm màu thực phẩm có diễn biến phức tạp, vấn đề bếp ăn thực phẩm còn nhiều mối lo ngộ độc thực phẩm. Theo ông Phong, nguyên nhân chủ quan là do cán bộ nhận thức chưa dầy đủ, ý thức trách nhiệm người sản xuất kinh doanh còn hạn chế. Có tỉnh 1 năm kiểm tra, thanh tra 1.000 cơ sở nhưng chỉ xử phạt 2 cơ sở.

Theo ông Phùng Đức Tiến - Phó Chủ nhiệm Ủy ban khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội, Tổ trưởng tổ giúp việc cho Đoàn giám sát - qua giám sát tại 13 địa phương, đoàn giám sát nhận thấy, hầu hết các tỉnh đã có quy hoạch sản xuất, giết mổ. Một số doanh nghiệp lớn đã tập trung đầu tư cho thực phẩm an toàn, tạo được một số chuỗi nông sản sạch cung ứng ra thị trường, hệ thống phòng kiểm nghiệm đã được nâng cao và hiện đại hóa ở Trung ương. Tuy nhiên, vấn đề bếp ăn còn nhiều tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc thực phẩm, việc xử lý thực phẩm chức năng còn nhức nhối, riêng tại Nghệ An đã thu được 202 tấn.

Nguyên nhân của những vấn đề trên, theo ông Tiến là do ban hành văn bản tiêu chuẩn, quy chuẩn chưa kịp thời, đôi khi còn chồng chéo. Một sản phẩm mà 3 Bộ quản lý nên công tác thanh tra, kiểm tra diễn ra phức tạp, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

“Quản lý vật tư đầu vào không chặt chẽ thì khó đảm bảo đầu ra an toàn. Ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ở vùng nông thôn ngày càng nặng nên khó đảm bảo được an toàn trong sản xuất thực phẩm sạch. Như ở Hà Nội, vẫn còn tình trạng giết mổ trong làng, xóm, để dưới 1 khoảng đất, rồi quá trình vận chuyển 1 xe  máy chở 4 con lợn đi khắp nơi, nơi bày bán chưa hợp lý. Phần ngũ tạng động vật không rõ nguồn gốc trong 5 năm qua phát hiện được với khối lượng khổng lồ. Số vụ ngộ độc tại nhiều tỉnh vẫn còn rất lớn. Trong khi đó, qua giám sát, trao đổi với địa phương thấy những vụ vi phạm đều có quan hệ họ hàng, hàng xóm cho nên xử phạt không nghiêm”- ông Tiến chỉ rõ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đặt vấn đề: Công tác thanh tra, kiểm tra diễn ra thường xuyên nhưng qua giám sát thực tế thấy rằng, tình hình ở nhiều địa phương đã ở mức báo động, có nơi đến giới hạn đỏ. Vậy, trách nhiệm các bộ, ngành như thế nào?. Theo ông Hiển, kiểm tra, thanh tra triển khai rất nhiều đoàn, trên 3 triệu cơ sở nhưng phát hiện 20% vi phạm. Tính ra mỗi cuộc xử phạt chỉ có 200 ngàn đồng.

“Vi phạm nghiêm trọng mà xử phạt như thế này, không có vụ nào xử lý hình sự, trong khi có nhiều vụ nghiêm trọng. Báo chí đưa tin, ruốc bán 120 nghìn cân, kiểm tra thấy 1/3 là ruốc còn lại là bột mà cơ sở ở ngay gần trụ sở xã. Đó là câu chuyện cần đặt ra. Vậy mà các cuộc kiểm tra đều không biết. Đó là do thiếu người hay chúng ta chưa vào cuộc? Trách nhiệm của các bộ thế nào? người đứng đầu địa phương để cho vi phạm ở các cấp xã, phường thế nào? Nơi nào xảy ra vi phạm thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm chứ không thể chủ tịch xã không biết. Không thể để vì lợi ích thành tích của địa phương mà quên đi lợi ích của cộng đồng?”- ông Hiển nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn