MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Bùi Văn Xuyền phát biểu tại kỳ họp Quốc hội (Ảnh: Q.H)

Đại biểu Quốc hội “hiến kế” để giáo viên không bỏ việc đi bán hàng

Xuân Hải LDO | 11/05/2017 19:46
Liên quan thực trạng giáo viên mầm non mới dạy học tại quận 11, TP.Hồ Chí Minh thu nhập chỉ hơn 2,2 triệu đồng/tháng, nên đã xin bỏ việc để đi bán hàng cho siêu thị, trao đổi với PV, đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) cho rằng, cần xã hội hóa giáo dục để tăng nguồn thu, trả lương cho giáo viên.

Tại buổi làm việc với Ban Văn hóa xã hội - HĐND TP.Hồ Chí Minh ngày 10.5, ông Đặng Đức Hoàn -Trưởng phòng GDĐT quận 11, TPHCM - đã nêu thực tế, lương của nhiều giáo viên mới ra trường thu nhập chỉ hơn 2,2 triệu đồng, nhất là ở mầm non và tiểu học nên khó đảm bảo đời sống.

Trong khi đó, quận cũng đang thiếu 15 giáo viên mầm non nhưng tuyển cũng rất khó. Nhiều giáo viên mới ra trường vừa đi dạy vừa đi bán hàng cho siêu thị, được một thời gian thì nghỉ dạy luôn vì thấy làm ở siêu thị thu nhập tốt hơn. Cho ý kiến về vấn đề trên, đại biểu Quốc hội Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) cho rằng, việc đề nghị tăng lương cho giáo viên cũng đã được nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị.

Theo ông Xuyền, Nghị quyết Trung ương lần thứ 2 khóa VII, Nghị quyết Trung ương lần thứ 8 khóa XI khẳng định, lương nhà giáo phải được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bảng lương hành chính sự nghiệp, có phụ cấp tùy theo tính chất công việc và theo vùng. Ông Xuyền đề nghị, “để giáo viên yên tâm giảng dạy thì cần thay đổi, cải cách tiền lương cho nhà giáo”.

Tuy nhiên, ông Xuyền cũng cho rằng, hiện nay ngân sách chi cho lĩnh vực giáo dục khoảng 20% so với tổng chi của ngân sách Nhà nước. Đây là tỉ lệ thể hiện sự ưu tiên cho giáo dục vì đất nước ta còn khó khăn, còn nhiều lĩnh vực khác cũng cần được đầu tư. Do vậy, chúng ta cần phải có giải pháp tăng lương cho giáo viên nhưng làm sao để không phải phụ thuộc quá nhiều vào ngân sách Nhà nước.

Theo ông Xuyền, việc tăng lương cho giáo viên có thể dựa trên việc xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục.

“Để cải thiện mức lương cho giáo viên, thu nhập của họ có thể đủ sống thì Bộ Giáo dục và Đào tạo phải có đề án về chiến lược quy hoạch đào tạo nguồn nhân lực cho ngành sư phạm trong tương lai. Bộ phải có chiến lược quy hoạch đào tạo giáo viên theo cơ cấu của từng cấp, ngành, vùng miền, trình độ giáo viên phải đảm bảo chất lượng, để chất lượng của giáo viên phải tương ứng với mức lương, từ đó giáo viên mới yên tâm công tác” – ông Xuyền nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn