MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) - Ảnh: Q.H

Đây là điều không bình thường

Xuân Hải (Ghi) LDO | 21/10/2016 08:25
Liên quan đến việc Sở LĐ-TB&XH Hải Dương có 46 cán bộ thì có tới 44 lãnh đạo, trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, chiều 20.10, Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cho rằng đây là điều không bình thường.
Trao đổi với báo chí về sự việc trên đang diễn ra ở Hải Dương, Đại biểu Nguyễn Thái Học phải thốt lên: Đây là điều không bình thường. Sự không bình thường này cần phải được đánh giá, xem xét vì sao lại như thế. Nếu đúng như vậy phải có biện pháp xử lý, không để lãnh đạo nhiều hơn cán bộ nhân viên được. Lãnh đạo ai, ai lãnh đạo và quá trình lãnh đạo triển khai thực hiện như vậy đem lại hiệu quả như thế nào?.
“Điều quan trọng là phải xem xét trách nhiệm người đứng đầu. Nếu như người đứng đầu sử dụng cán bộ không đúng, không tốt để tồn tại thực tế như thế thì phải xử lý trách nhiệm. Chưa biết người đứng đầu đó có tiêu cực gì trong sắp xếp cán bộ hay không nhưng để một thực tế mà người ta cho rằng yếu kém như thế thì phải xử lý trách nhiệm” - ông Học nói.
Theo ông Học, qua sự việc trên, Chính phủ cần rà soát, đánh giá lại cơ quan nào, bộ ngành nào, địa phương nào để xảy ra tình trạng tương tự như vậy và đã xử lý trách nhiệm người đứng đầu chưa. “Quan trọng là khi thấy yếu kém như thế thì phải xử lý trách nhiệm người đứng đầu” – ông Học nhắc lại.
Ông Học cũng cho rằng, những tồn tại trong công tác cán bộ giờ phải rà soát lại, chỉ đạo, chấn chỉnh quyết liệt. Không chỉ Chính phủ, mà Đảng cũng phải tập trung xây dựng, chỉnh đốn, trong đó mấu chốt vấn đề là công tác cán bộ.
Đối với việc vị giám đốc Sở Lao động thương binh và xã hội trả lời là mới về nhận nhiệm vụ nên đang rà soát lại, ông Học cho rằng thực trạng này xảy ra cả một quá trình trước đó. Vì vậy phải xem xét trách nhiệm của người bàn giao lại cho người đứng đầu mới để có đánh giá khách quan công bằng.
Đồng quan điểm trên, Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho biết: Đây là hiện tượng không bình thường. Phải đi sâu vào từng trường hợp một, đó là người có tài năng đột xuất chăng hay là những người có những mối quan hệ khác nhau, không loại trừ những điều chúng ta đã nói công khai, đó là chuyện “tiêu cực” trong bổ nhiệm cán bộ. Vì thế phải làm đến cùng cho rõ ràng để bộ máy vận hành hợp lý và hiệu quả.
Theo ông Quốc, việc này nên thanh tra lại, nếu liên quan đến ai thì xử lý người đó, kể cả những người đã về hưu rồi cũng phải chịu trách nhiệm. “Hiện tượng phổ biến nhiều nơi nhất các vị sắp hết nhiệm kỳ tận dụng quyền lực của mình để đề bạt lấy lý do tăng cường thêm bộ máy nhân sự nhưng ai cũng thấy có sự tiêu cực, thu lợi từ đó. Chúng ta biết nhưng có xử lý đâu?” – ông Quốc nói.
Ồng Quốc cho rằng, liên quan đến việc này Bộ Nội vụ phải chịu trách nhiệm về việc này, phải giám sát bộ máy ở dưới vì anh làm quản lý nhà nước. Trong chừng mực nào đó, các cơ quan dân cử phải thực hiện vai trò của mình như HĐND và ĐBQH.

Băn khoăn trước việc cơ quan này có 46 cán bộ thì có đến 44 người làm lãnh đạo, ông Quốc cho rằng, cái chúng ta nói rất nhiều đến quy trình, “quy trình rất đúng quy trình” nhưng hiệu quả ngược lại, vì quy trình do con người làm, thiếu sự giám sát.

 



Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn