MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Luật Đường sắt là cơ sở pháp lý đầu tiên cho hoạt động đầu tư đường sắt tốc độ cao của nước ta trong thời gian tới. Ảnh minh họa: LĐO

Điểm mới cơ bản của các Luật Đường sắt, Quản lý ngoại thương, Hỗ trợ DN nhỏ và vừa

X.Q LDO | 12/07/2017 15:01
Như Lao Động đã đưa, sáng nay (12.7), Văn phòng Chủ tịch Nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch Nước về công bố 6 Luật, gồm: Luật Thủy lợi;  Luật Chuyển giao công nghệ; Luật Du lịch; Luật Đường sắt; Luật Quản lý ngoại thương; Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đây là các Luật đã được thông qua tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV.

Đường sắt tốc độ cao là điểm mới của Luật Đường sắt

Có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2018, Luật Đường sắt gồm 10 chương, 87 điều, tăng 2 chương, giảm 27 điều so với Luật Đường sắt 2005, với đầy đủ các quy định điều chỉnh mọi hoạt động trong lĩnh vực đường sắt, có vai trò quan trọng và tác động rất lớn tới sự phát triển của ngành đường sắt nói riêng và kinh tế xã hội của Việt Nam nói chung.

Chính sách phát triển đường sắt đã được Luật bổ sung quy định đầy đủ, chi tiết trong các lĩnh vực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt, kinh doanh đường sắt, công nghiệp đường sắt, phát triển đường sắt chuyên dùng. Đặc biệt, đối với chính sách ưu tiên phân bổ ngân sách Trung ương trong kế hoạch đầu tư công để bảo đảm phát triển hạ tầng đường sắt quốc gia. Với những chính sách này nhằm định hướng và làm căn cứ cho Chính phủ ban hành các chính sách cụ thể trong từng giai đoạn phù hợp với thực tế phát triển trong hoạt động đường sắt.

Đường sắt tốc độ cao là điểm mới của Luật. Trong đó, các nội dung chủ yếu liên quan đến đường sắt tốc độ cao bao gồm yêu cầu chung đối với đường sắt tốc độ cao, chính sách phát triển đường sắt tốc độ cao, yêu cầu về kết cấu hạ tầng đường sắt tốc độ cao, quản lý, khai thác, bảo trì, quản lý an toàn đường sắt tốc độ cao. Các nội dung này là cơ sở pháp lý đầu tiên cho hoạt động đầu tư đường sắt tốc độ cao của nước ta trong thời gian tới.

Luật Quản lý ngoại thương: Không can thiệp vào các hoạt động cụ thể của thương nhân

Luật Quản lý ngoại thương có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2018. Luật chủ yếu điều chỉnh công tác quản lý Nhà nước về ngoại thương, bao gồm: Các biện pháp quản lý, điều hành hoạt động ngoại thương có liên quan đến mua bán hàng hóa quốc tế; không điều chỉnh, can thiệp vào các hoạt động cụ thể của thương nhân, giữa các thương nhân với nhau; chỉ điều chỉnh đối tượng là hàng hóa, không điều chỉnh đối tượng dịch vụ.

Lần đầu tiên, Luật khẳng định quyền tự do kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu của thương nhân chỉ bị hạn chế nếu thuộc các trường hợp mà Luật quy định biện pháp cấm, tạm ngừng hoặc hạn chế xuất khẩu, nhập khẩu. Riêng đối tượng là thương nhân là tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, thương nhân nước ngoài không có hiện diện ở Việt Nam, Luật quy định quyền, nghĩa vụ của các đối tượng này theo đúng cam kết trong các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Việc quy định quyền tự do kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu tại Luật là phù hợp với tinh thần Hiến pháp, phù hợp với tinh thần tiến bộ của Luật Đầu tư và Điều 7 Luật Doanh nghiệp.

Hỗ trợ tối đa doanh nghiệp nhỏ và vừa

Với 4 chương, 35 điều, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa quy định về nguyên tắc, nội dung, nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Luật áp dụng 3 tiêu chí lao động, doanh thu, nguồn vốn để xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong đó, số lao động tham gia bảo hiểm xã hội (không quá 200 người) là tiêu chí bắt buộc, được kết hợp với một trong hai tiêu chí là tổng nguồn vốn (không quá 100 tỷ đồng) hoặc tổng doanh thu của năm trước liền kề (không quá 300 tỷ đồng).

Luật quy định việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc tiếp cận tín dụng; hỗ trợ thuế, kế toán; hỗ trợ mặt bằng sản xuất; hỗ trợ mở rộng thị trường; hỗ trợ cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật và khu làm việc chung. Các nội dung hỗ trợ trọng tâm đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa bao gồm: Hỗ trợ chuyển đổi từ hộ kinh doanh; hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hỗ trợ tham gia cụm liên kết ngành. Luật có hiệu lực từ ngày 1.1.2018.

(Lao Động sẽ tiếp tục cập nhật các điểm mới của các Luật được công bố trong các bản tin tiếp theo).

Theo Chương trình, chiều nay (12.7), Văn phòng Chủ tịch Nước tiếp tục tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch Nước về công bố 6 Luật, gồm: Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước; Luật Trợ giúp pháp lý; Luật Quản lý sử dụng tài sản công; Luật Cảnh vệ; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Hình sự số 100/2015/QH13.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn