MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại diện LĐLĐ TP. Đà Nẵng đã từng thay mặt CNLĐ để khởi kiện doanh nghiệp và đã thắng kiện. Ảnh: H.L

Doanh nghiệp “vô tư” lách luật

HỮU LONG - ĐẮC THÀNH LDO | 21/04/2017 09:18
Tình trạng doanh nghiệp (DN) nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) tại một số tỉnh miền Trung vẫn còn cao, ảnh hưởng đến đời sống của hàng nghìn CNVCLĐ. Trong khi ý thức chấp hành pháp luật của một số DN vẫn chưa cao thì những bất cập trong quy định của pháp luật liên quan đến công tác khởi kiện đơn vị nợ BHXH vẫn còn vướng mắc; chế tài xử lý doanh nghiệp bỏ trốn vẫn chưa rõ ràng.

Đủ chiêu lách luật

BHXH TP. Đà Nẵng cho biết, trong năm 2016, tổng số nợ BHXH, BHYT, BHTN toàn TP. Đà Nẵng là gần 123 tỉ đồng. Cụ thể, nợ DN chiếm khoảng 97% trong tỉ lệ nợ chung của toàn ngành, trong đó DN ngoài quốc doanh chiếm tỉ trọng lớn nhất là gần 78%, DN nhà nước chiếm tỉ trọng gần 9%, DN có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỉ trọng gần 8%. Ông Nguyễn Văn Tiết - Phó Giám đốc BHXH TP. Đà Nẵng - cho rằng, trên thực tế vẫn còn một số DN cố tình lách luật, không đóng BHXH, BHTN đúng hạn hằng tháng mà cố tình chậm đóng, chiếm dụng Quỹ BHXH để phục vụ mục đích kinh doanh. Mặc dù vi phạm nhưng những đơn vị này không bị phạt đóng chậm, vì Luật BHXH quy định đơn vị chậm đóng 30 ngày trở lên mới phải nộp số tiền lãi bằng 2 lần mức lãi suất đầu tư Quỹ BHXH bình quân của năm trước liền kề và bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Từ thực tế trên, ông Tiết nhận định, tình trạng DN nợ tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN đã ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của NLĐ như không được chi trả các chế độ như ốm đau, thai sản, tai nạn lao động… theo đúng quy định. Bên cạnh đó, do chưa có hướng dẫn, ngày càng xuất hiện nhiều đơn thư của NLĐ đề nghị chốt sổ BHXH đến thời điểm đơn vị đã đóng đối với những đơn vị thuộc nhóm nợ khó thu nhưng không được giải quyết. Từ đó dễ gây nên tình trạng bất ổn về an ninh, trật tự trên địa bàn.

“Chúng tôi có thể kể tên các DN nợ lương NLĐ và không có khả năng đóng BHXH, BHYT, BHTN tại Đà Nẵng như Cty cơ khí ôtô và thiết bị điện (nợ 45 tháng với khoảng 6 tỉ đồng), Cty TNHH vàng Phước Sơn (nợ 11 tháng với số tiền gần 2 tỉ đồng), Cty TNHH khai thác vàng Bồng Miêu (nợ 14 tháng với số tiền 2 tỉ đồng)… Ngoài ra, một số DN có số nợ BHXH, BHYT cao, nhiều DN nợ thuế lớn, bị cơ quan thuế thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng, không có tài sản để thi hành án và mất khả năng đóng BHXH, BHYT, BHTN như Cty CP Sông Hồng Đà Nẵng nợ thuế 6,65 tỉ đồng, Cty CP xây dựng công trình giao thông Đà Nẵng nợ thuế 4,89 tỉ đồng…” - ông Tiết cho hay.

Luật còn lỗ hỗng?

Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, để xử lý tình trạng DN nợ đọng BHXH, thời gian qua, tổ chức CĐ cùng BHXH tỉnh đã tiến hành đứng ra làm trung gian hòa giải giữa NLĐ và chủ sử dụng lao động. Theo số liệu của LĐLĐ tỉnh Thừa Thiên - Huế, trong quý I/2017, CĐ tỉnh đã tiến hành hòa giải hai đợt, trong đó đợt 1 có 18 DN nợ 18 tỉ đồng thì CĐ tỉnh đã hòa giải và thu được 1,1 tỉ đồng tiền bảo hiểm. Riêng đợt 2 có 11 DN nợ 16 tỉ đồng và cũng đã tiến hành trả 3,6 tỉ đồng.

Theo bà Nguyễn Khoa Hoài Hương - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thừa Thiên - Huế, thời gian qua, tổ chức CĐ và BHXH tỉnh Thừa Thiên - Huế thường xuyên phối hợp đòi lại quyền lợi cho NLĐ trong trường hợp DN nợ BHXH, BHYT, BHTN. “Nếu nhận thông tin trường hợp nợ BHXH từ BHXH tỉnh, tổ chức CĐ sẽ có hội đồng chỉ đạo khởi kiện để tư vấn giúp NLĐ, tiếp sau đó là tiến hành hòa giải giữa NLĐ và DN; cho DN lộ trình 40 ngày tiến hành hoàn trả bảo hiểm cho NLĐ. Nếu như trong 40 ngày đó DN không thực hiện thì chúng tôi sẽ tư vấn cho NLĐ tiến hành khởi kiện” - bà Hương cho hay.

Ông Văn Phú Long - Trưởng phòng Quản lý thu (BHXH TP. Đà Nẵng) - nêu thực tế rằng các quy định ràng buộc việc đóng BHXH của các DN trong thời gian qua còn nhiều lỗ hỗng. Cụ thể, luật hiện đang "lúng túng" xử lý khi chủ DN bỏ trốn. Luật BHXH số 58/2014 không có quy định về trường hợp chủ DN nợ đọng BHXH mà bỏ trốn thì cơ quan chức năng xử lý như thế nào. Ông Long cho biết, hiện BHXH Việt Nam đã có ý kiến và đợi phản hồi từ phía Bộ LĐTBXH trong việc chốt sổ BHXH hay cách xử lý như thế nào để bảo vệ quyền lợi NLĐ khi chủ sử dụng lao động bỏ trốn.

“Một khó khăn nữa là trường hợp NLĐ khởi kiện DN nợ BHXH ra tòa hiện còn bất cập. Cụ thể, nếu NLĐ khởi kiện DN nợ BHXH ra tòa thì NLĐ phải ủy quyền cho tổ chức CĐ mới khởi kiện được. Thực tế nếu phải thực hiện từng giấy ủy quyền cho mỗi NLĐ là điều không thể. Tối lấy ví dụ nếu tại một DN có khoảng vài nghìn công nhân thì không thể vài nghìn công nhân đó đều phải làm giấy ủy quyền được” - ông Long nói và mong muốn các bộ, ngành cần sớm có hướng dẫn cụ thể để cơ quan BHXH và tổ chức CĐ các địa phương sớm thực hiện.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn