MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đưa Nghị Quyết T.Ư 4 vào cuộc sống: Cán bộ đi lễ chùa trong giờ hành chính - xử nghiêm và công khai cho dân biết

XUÂN HẢI LDO | 16/02/2017 06:43
Ông Phạm Tất Thắng (ảnh) - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội - đã nói với Lao Động như vậy về việc 5 cán bộ thuộc Bảo hiểm xã hội Hà Nội và một số cán bộ, nhân viên của Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đi lễ trong giờ làm việc vào đầu tháng 2.2017 vừa qua.

Người vi phạm là đảng viên thì càng phải xử lý nghiêm

Ông Phạm Tất Thắng nhấn mạnh, trong khi cả nước đang triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng và thực hiện Chỉ thị số 26/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp mà những cán bộ này lại vi phạm, do vậy cần phải xử lý nghiêm mới đủ sức răn đe.

Ông Thắng cũng cho rằng, từ khi có Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, nhìn chung tình trạng cán bộ công chức dùng xe công - biển xanh đi lễ chùa đã giảm hẳn. Như vậy, chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện được một cách nghiêm túc quy định trên. Tuy nhiên, trong bối cảnh đã có Nghị quyết của Đảng và Chỉ thị của Thủ tướng mà một số cán bộ, công chức vẫn dùng thời gian hành chính để đi lễ là vi phạm quy định, nếu người vi phạm là đảng viên thì càng vi phạm.

Nói về việc xử lý vi phạm của các cán bộ, nhân viên đi lễ trong giờ hành chính, ông Thắng cho rằng tùy theo mức độ vi phạm để đối chiếu quy định, xử lý từng cá nhân như nhắc nhở, phê bình hay khiển trách, buộc thôi việc... “Để răn đe thì việc xử lý phải nghiêm, từ đó mới răn đe người khác không dám vi phạm và người vi phạm không dám tái phạm” - ông Thắng nói.

Việc xử lý kỷ luật phải được công khai để người dân biết nhằm giáo dục và phòng ngừa đến tất cả các cán bộ, đảng viên trong các cơ quan nhà nước. Bên cạnh đó, cần phải tăng cường tuyên truyền, phổ biến thực hiện nghiêm Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng và Chỉ thị của Thủ tướng sâu rộng tới từng cán bộ, đảng viên.

“Để xây dựng, chỉnh đốn Đảng, chúng ta không nên nương nhẹ trong xử lý vi phạm. Cần phải xử lý nghiêm và dùng quy định cao nhất trong khung để xử lý mới đủ sức răn đe” - ông Thắng nhấn mạnh.

Xem xét trách nhiệm của người đứng đầu

Ông Thắng cũng nhìn nhận, trong 2 vụ việc cán bộ đi lễ trong giờ hành chính thì đều có trách nhiệm của người đứng đầu vì anh chưa làm tròn vai trò quản lý nhân viên và việc triển khai Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng cũng như Chỉ thị của Thủ tướng chưa thật sâu rộng trong cơ quan đơn vị.

“Nếu người đứng đầu cơ quan, đơn vị nghiêm túc thực hiện các quy định của Đảng, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và quản lý tốt các cán bộ trong cơ quan thì sẽ không xảy ra trường hợp cán bộ nhân viên bỏ đi lễ trong giờ hành chính. Do vậy, cần phải xem xét trách nhiệm liên đới của lãnh đạo các cơ quan, đơn vị có trường hợp cán bộ, nhân viên đi lễ trong giờ hành chính” - ông Thắng nói.

Nói về việc, mới đây Giám đốc Sở Y tế Bình Định cho hơn 20 người của cơ quan này nghỉ để đi lễ, ông Thắng cho rằng, việc nghỉ phép là quyền của người lao động đã được pháp luật quy định, tuy nhiên lãnh đạo Sở Y tế Bình Định lại cho hơn 20 người nghỉ để đi lễ, mà qua báo chí tôi thấy số lượng người nghỉ chiếm tới nửa cơ quan là ảnh hưởng tới công việc.

Thêm vào đó, trong bối cảnh cả nước đang thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ thì việc lãnh đạo Sở Y tế cho hơn 20 người nghỉ để đi lễ là không phù hợp. Do đó, phải xem xét trách nhiệm của lãnh đạo sở trong trường hợp này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn