MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

Đưa Nghị quyết T.Ư 4 vào cuộc sống - nói đi đôi với làm: Đạo đức nhà giáo ở đâu?

XUÂN HẢI LDO | 01/03/2017 08:38
Ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - đã nói với Lao Động như vậy về vụ Hiệu trưởng, Hiệu phó Trường Tiểu học Nam Trung Yên vừa bị UBND quận Cầu Giấy (Hà Nội) cách chức vì không trung thực trong báo cáo vụ tai nạn của em học sinh Trần Chí Kiên khi đang chơi tại sân trường; vi phạm nghiêm trọng chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của người giáo viên... Ông Tiến cho rằng, đó là một trong những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên cần được ngăn chặn và đẩy lùi.

Vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề nghiệp

Trao đổi với Lao Động về vấn đề này, ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - cho rằng: Tôi rất ủng hộ việc Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung chỉ đạo UBND quận Cầu Giấy họp Hội đồng kỷ luật cách chức Hiệu trưởng, Hiệu phó Trường Tiểu học Nam Trung Yên. Việc UBND quận Cầu Giấy cách chức hiệu trưởng, hiệu phó là quyết định rất đúng đắn, nhận được sự đồng tình ủng hộ của dư luận và đông đảo phụ huynh học sinh. Theo tôi, với tư cách là một hiệu trưởng, hiệu phó nhà trường, đúng ra phải làm gương cho các thầy cô giáo khác và toàn trường noi theo nhưng lại cố tình ngồi trên xe taxi để đi vào sân trường trong giờ ra chơi của học sinh và va vào một em học sinh khiến em này bị gãy chân, rồi lại đổ lỗi là do học sinh ngã. Đây là việc không thể chấp nhận được.

“Việc làm của bà hiệu trưởng, hiệu phó là vi phạm nghiêm trọng chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp người giáo viên, tạo dư luận xấu trong xã hội và UBND quận Cầu Giấy đã kỷ luật bằng hình thức cách chức là rất phù hợp với Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, góp phần đưa nghị quyết vào cuộc sống, nói đi đôi với làm nhằm chấn chỉnh một bộ phận cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống và phù hợp với đạo lý của chúng ta” - ông Tiến cho hay, đồng thời nhấn mạnh: Đã là giáo viên thì phải thương yêu học sinh hết mực. Đáng lẽ khi xảy ra sự việc như vậy thì bà hiệu trưởng, hiệu phó phải nhận khuyết điểm, nhanh chóng đưa học sinh đi cấp cứu, tận tình chăm sóc, bồi thường cho em học sinh gặp nạn, như thế mới đúng đạo lý của nhà giáo. Theo tôi, khi xảy ra sự việc như vậy thì một người bình thường cũng phải làm được việc đó, huống hồ, đây là một hiệu trưởng và một hiệu phó. Tuy nhiên, cả bà hiệu trưởng, hiệu phó đều đã không làm được.

“Gương mẫu là cha đẻ của giáo dục”

Ông Tiến cũng lưu ý, việc Hà Nội chỉ đạo xử lý nghiêm vi phạm của Hiệu trưởng và Hiệu phó Trường Tiểu học Nam Trung Yên sẽ làm gương cho ngành giáo dục của Hà Nội nói riêng và ngành giáo dục toàn quốc nói chung về việc lấy học sinh làm trung tâm, chứ không thể chấp nhận tư tưởng coi cuộc sống của giáo viên là trung tâm, còn học sinh mới là thành tố phụ.

Nói về việc làm thế nào để chấn chỉnh đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, ông Tiến cho rằng, cần phải xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, như vậy mới thể hiện “nói đi đôi với làm”.

“Chúng ta nói đi đôi với làm là như thế. Tức là khi phát hiện vi phạm thì phải xử lý và làm rất nghiêm như đối với những sự việc xảy ra như vụ cô giáo ngồi trên xe taxi va vào học sinh làm gãy chân vừa qua. Việc xử lý phải nghiêm khắc, không kể người đó là ai, có như vậy mới đủ sức răn đe để không tái phạm. Vấn đề ở đây là việc thực hiện như thế nào, và quan trọng nhất là người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, nhà trường, bệnh viện, trước hết là phải gương mẫu” - ông Tiến nói.

Ông Tiến cũng nhấn mạnh: Tôi rất tâm đắc với câu nói của nhà giáo dục học Xô - Viết Makarenko, đã đúc kết cách đây hơn nửa thế kỷ: “Gương mẫu là cha đẻ của giáo dục”, cho nên người lãnh đạo phải làm gương để cấp dưới noi theo, bên cạnh đó ngoài việc gương mẫu thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước toàn bộ sự việc xảy ra tại cơ quan, đơn vị của mình quản lý. Nếu để xảy ra vi phạm thì nên từ chức để giữ thể diện cho bản thân và gia đình.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn