MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các quan chức Chính phủ CHLB Đức đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân tại sân bay. Ảnh: TTXVN

Đức - Việt Nam còn nhiều tiềm năng bổ trợ kinh tế lẫn nhau

Khánh Minh LDO | 06/07/2017 10:04
Theo TTXVN, chiều 5.7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến thành phố thành phố Mainz, thủ phủ bang Rheinland-Pfalz, và có cuộc làm việc với Chủ tịch Hội đồng Liên bang Đức, kiêm Thủ hiến bang Rheinland-Pfalz - bà Malu Drayer và gặp gỡ, làm việc với Phó Thủ hiến, Bộ trưởng Kinh tế, Giao thông và Nông nghiệp bang Rheinland-Pfalz - ông Volker Wissing.

Tại các cuộc làm việc, Thủ tướng mong muốn Quốc hội Đức ủng hộ và khuyến khích các doanh nghiệp Đức đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam trong các lĩnh vực Đức có thế mạnh như sản xuất thiết bị năng lượng, đường sắt, công nghiệp phụ trợ, thiết bị y tế và dược phẩm, cơ sở hạ tầng giao thông và du lịch, công nghệ sinh học và chế biến thực phẩm.

Thủ tướng đề nghị chính quyền bang quan tâm thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực mà bang Rheinland-Pfalz có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu, bao gồm cả khả năng hợp tác về đào tạo nhân lực, nhất là đào tạo và sử dụng điều dưỡng viên Việt Nam tại các bệnh viện, cơ sở y tế của bang Rheinland-Pfalz.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Chính phủ Việt Nam hoan nghênh và sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Đức vào làm ăn kinh doanh tại Việt Nam, góp phần tích cực vào việc thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Đức ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả.

Chuyến thăm sớm

Trả lời TTXVN trước đó, Đại sứ Việt Nam tại Đức Đoàn Xuân Hưng nhấn mạnh rằng, ý nghĩa nổi bật của chuyến thăm này là đích thân Thủ tướng Đức Angela Merkel đã mời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sang thăm rất sớm, chỉ một tháng sau khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhậm chức vào tháng 4.2016, trong khi thông thường những chuyến thăm này phải sắp xếp trong thời gian rất dài. Hai bên đã thu xếp một chương trình dày đặc các hoạt động của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong đó Thủ tướng sẽ có cuộc gặp và hội đàm với Thủ tướng Angela Merkel và Tổng thống Frank-Walter Steinmeier.

Đánh giá về những kết quả và tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và Đức, Đại sứ Đoàn Xuân Hưng nhận định, sau hơn 5 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước, quan hệ giữa Việt Nam và Đức đã phát triển rất tốt. Là cửa ngõ quan trọng để hàng hóa Việt Nam vào thị trường Châu Âu, Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, chiếm gần 20% xuất khẩu của Việt Nam vào EU, trao đổi thương mại giữa hai nước đạt trên dưới 10 tỉ USD.

Ngược lại, Việt Nam cũng có những thế mạnh mà Đức quan tâm. Đức coi Việt Nam là một nền kinh tế năng động, duy trì tốc độ tăng trưởng trên 6% trong tình hình kinh tế của khu vực và thế giới khó khăn trong thời gian qua. Theo Đại sứ Đoàn Xuân Hưng, Việt Nam tuy là nước nhỏ, song có khả năng bổ sung đáng kể cho nền kinh tế Đức đang phát triển nhanh nhưng lại thiếu nguồn nhân lực. Ngược lại, phía Đức có thể hỗ trợ Việt Nam trong phát triển công nghệ. Đại sứ tin tưởng tiềm năng hợp tác giữa hai nước vẫn còn rất lớn và trải rộng trên tất cả mọi lĩnh vực. Do đó, chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lần này sẽ có đóng góp rất ý nghĩa cho việc thúc đẩy quan hệ giữa hai bên.

Đức chủ động mời Việt Nam dự G20

Về trọng tâm của Hội nghị Thượng đỉnh G20, đặc biệt là những nội dung ưu tiên mà APEC 2017 và G20 2017 có thể phối hợp thực hiện, Đại sứ Đoàn Xuân Hưng cho biết, lần này Việt Nam được Đức chủ động mời tham dự Hội nghị G20 và toàn bộ tiến trình G20 với tư cách nước chủ nhà của Hội nghị APEC 2017, cho thấy bạn bè quốc tế đánh giá cao vai trò cũng như những đóng góp tích cực của Việt Nam trong các tiến trình quốc tế.

Trọng điểm của G20 năm nay được chia ra ba chủ đề chính: Tăng cường tính tự cường của nền kinh tế thế giới và nền kinh tế các quốc gia; Bàn về vấn đề phát triển bền vững; Xử lý và như biện pháp xử lý các vấn đề của phát triển.

Việt Nam đã xác định tham gia một cách tích cực và xây dựng vào các tiến trình của G20 và Hội nghị thượng đỉnh. Việt Nam ý thức G20 và APEC năm nay đối mặt với nhiều vấn đề tương đồng. Sự phối hợp của hai nước chủ nhà Việt Nam và Đức để cùng tìm ra giải pháp cũng như lôi kéo các nền kinh tế thành viên tham gia tìm kiếm giải pháp sẽ là động lực giúp hai hội nghị quốc tế quan trọng thành công, qua đó đóng góp tích cực cho sự phát triển của thế giới.Khánh Minh

Sáng 5.7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay quốc tế Frankfurt, bang Hessen - cảng hàng không quốc tế sầm uất nhất Châu Âu, bắt đầu chuyến thăm làm việc tại CHLB Đức và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 theo lời mời của Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn