MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Khơi dậy tinh thần yêu nước của cả dân tộc

XUÂN HẢI LDO | 19/12/2016 09:58
Đã 70 năm trôi qua nhưng không khí sôi sục của Ngày Toàn quốc kháng chiến 19.12.1946, ngày toàn dân, toàn quân ta đứng lên đánh thực dân Pháp xâm lược, hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên trong tâm trí của hai vị tướng già. Đó là Trung tướng Chu Duy Kính (86 tuổi) - nguyên Tư lệnh Quân khu Thủ đô (nay là Bộ tư lệnh Thủ đô) và Trung tướng Khuất Duy Tiến (85 tuổi) - nguyên Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 1, nguyên Cục trưởng Cục Quân lực Bộ Tổng tham mưu, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3.

Tiếng súng từ pháo đài Láng, báo hiệu cuộc kháng chiến toàn quốc bắt đầu

Kể về không khí của thủ đô cách đây 70 năm - Ngày Toàn quốc kháng chiến, đôi mắt của vị tướng già - Trung tướng Chu Duy Kính (86 tuổi), nguyên Tư lệnh Quân khu Thủ đô (nay là Bộ Tư lệnh Thủ đô) - bỗng đỏ hoe. Dường như, ký ức đầy khói lửa bom đạn cách đây 70 năm lại tràn về trào dâng trong ông.

Ông Kính kể, nghe theo Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lúc đó ông mới 16 tuổi, cũng như bao thanh niên khác ông xung phong ra mặt trận với niềm tin tất thắng và cùng đồng đội làm nên 60 ngày đêm hào hùng “giam chân” địch trong lòng Hà Nội (19.12.1946 - 17.2.1947).

Năm đó, ông Kính chiến đấu ở Ô Cầu Dền (Hà Nội), là chiến sĩ bảo vệ cơ quan của Thành ủy. Hoạt động trong nội thành, ông được phân công làm đội trưởng đội vũ trang tuyên truyền (khi đó gọi là đội hoạt động), tuyên truyền kháng chiến, rải truyền đơn, xây dựng cơ sở kháng chiến để ẩn náu.

Ông Nhớ lại: Đúng 20h03 ngày 19.12.1946, tiếng súng của ta nổ từ pháo đài Láng về phía quân Pháp, báo hiệu cuộc kháng chiến toàn quốc bắt đầu. Cùng với Hà Nội, nhân dân ở nhiều thành phố, thị xã trong cả nước đã anh dũng tấn công địch, làm chậm bước tiến của chúng. Trong cuộc kháng chiến này, quân ta cũng đã tiêu diệt được ngàn tên địch, phá hủy nhiều phương tiện quân sự của chúng.

“Tối hôm đó, tôi đang đứng ở Ngã Tư Sở thì thấy đại bác của ta bắn ra từ pháo đài Láng. Mỗi phát đại bác nổ rầm sáng rực một góc trời Hà Nội. Lúc đó, ta bắt đầu mở màn cuộc kháng chiến không phải dùng súng trường mà bằng những phát đại bác 75 ly làm quân Pháp hốt hoảng” - ông Kính nhớ lại.

Chiến dịch có ý nghĩa rất lớn khi đánh tan chiến thuật đánh nhanh, thắng nhanh, rút nhanh của thực dân Pháp (địch nghĩ đánh trong 1 tuần là xong).

Mệnh lệnh thiêng liêng, tạo ra sức mạnh chiến thắng kẻ thù

Cầm trên tay cuốn hồi ký “Ký ức đời binh nghiệp” do chính vị tướng già - Trung tướng Khuất Duy Tiến (nguyên Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 1, nguyên Cục trưởng Cục Quân lực Bộ Tổng tham mưu, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3) - viết, ghi lại chân thực cuộc đời binh nghiệp của mình, trong đó nêu rõ sự gian khổ của những ngày toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp.

“Là một cán sự thanh niên mới được giác ngộ, tôi vô cùng xúc động được nghe Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến thiêng liêng của Bác Hồ. “Không. Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ... Lời của Bác đã khơi dậy sức mạnh yêu nước, truyền thống anh hùng bất khuất của cả dân tộc, từ già đến trẻ, từ đàn ông đến phụ nữ, nó như một mệnh lệnh thiêng liêng, tạo ra sức mạnh vô biên để chiến thắng kẻ thù” - ông Tiến nhớ lại.

Giọng vị tướng già như đanh lại, dường như không khí của những ngày toàn quốc kháng chiến lại trở về dâng tràn trong ông. Ông Tiến bảo, vào thời kỳ ấy, khi nước nhà bị đàn áp, thì những người dân đứng trước nguy cơ mất nước cơ cực vô cùng, chính vì vậy, họ sẵn sàng hy sinh để vùng lên giành độc lập.

Giọng vị tướng già nghẹn lại, năm 1945, tôi phải chứng kiến nạn chết đói kinh hoàng chưa từng thấy. Làng tôi là làng nhiều thóc lúa nhất huyện Thạch Thất mà cũng có tới 400 người chết đói, người chết nhiều đến mức không có ván chôn. Nhà tôi cũng có người thân chết đói. Cha mẹ tôi sinh được 10 người con thì mất 5 người do bệnh tật và chết đói.

Từ lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, sau 9 năm chiến đấu gian khổ, ngày 10.10.1954, chúng ta đã giải phóng thủ đô, ngày ấy, ông Tiến cũng hoà vào dòng người hân hoan, vừa đi vừa hô to “Nước Việt Nam muôn năm”, “Hồ Chí Minh muôn năm”.

Ông Tiến bảo, để có ngày đất nước thống nhất, hòa bình như hôm nay, biết bao thế hệ cha anh đã ngã xuống và ông cũng là người may mắn hơn vì còn sống để chứng kiến ngày đất nước hòa bình.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn