MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên thảo luận. Ảnh: TTXVN

Không đạt tăng trưởng 6,7%, không thể thoát bẫy thu nhập trung bình

X.Q LDO | 09/06/2017 18:27
Chiều 9.6, tiếp tục thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) nêu quan điểm, dù khó khăn vẫn ủng hộ giữ nguyên chỉ tiêu tăng trưởng 6,7%, “bởi nếu điều chỉnh xuống để hoàn thành thì hoàn thành cũng không có ý nghĩa”.

Cần kích thích tăng tiêu dùng dân cư

Băn khoăn về mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% cả năm mà Chính phủ đưa ra trong Báo cáo kinh tế - xã hội, đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) đề nghị Chính phủ giải thích rõ, có sức thuyết phục hơn cơ sở của chỉ tiêu này để đảm bảo tính khả thi cao.

Bà nêu khó khăn: Trong thực tế, việc phân khai nguồn vốn còn rất chậm, nên nhiều công trình đầu tư từ Ngân sách Nhà nước gặp khó; đặc biệt là các công trình đầu tư từ ngân sách Trung ương. Để giải bài toán này, đại biểu đề xuất Chính phủ cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư theo kế hoạch, nhất là tiếp tục bố trí vốn để triển khai dứt điểm các công trình đang thi công dở dang ở các địa phương. 

Đại biểu Lê Thu Hà (Lào Cai) phân tích: GDP là một trong 4 mục tiêu quan trọng nhất của kinh tế vĩ mô (tăng GDP; ổn định giá cả; tăng việc làm, giảm thất nghiệp; tăng xuất khẩu). Nếu năm 2017 không đạt được mục tiêu 6,7%, tức là hai năm liền Việt Nam không đạt được mục tiêu kế hoạch tăng trưởng. Nhìn xa hơn, nếu trong 20 năm từ 2016 đến 2035, nền kinh tế Việt Nam không đạt được tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 7%/năm, để GDP đầu người tăng khoảng 6%/năm, Việt Nam không còn cơ hội để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.

Trong điều kiện nền kinh tế hiện nay, bên cạnh 6 nhóm giải pháp Chính phủ đã đưa ra, theo đại biểu, giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng nhanh đó là tăng tổng cầu của nền kinh tế. Cụ thể, tăng khối lượng tiền tệ so với kế hoạch đề ra tương ứng với việc tăng thêm khoảng 2% tổng dư nợ tín dụng, bao gồm cả tín dụng đầu tư và tiêu dùng, vào những đối tượng và lĩnh vực có tốc độ giải ngân nhanh nhất trong năm 2017. 

Đồng thời, Chính phủ kích thích tăng tiêu dùng dân cư, đầu tư tư nhân thông qua các biện pháp mở rộng tín dụng tiêu dùng, tháo gỡ các thủ tục hành chính để thúc đẩy các công trình xây dựng đầu tư tư nhân, nhất là các thủ tục đầu tư xây dựng của doanh nghiệp. Đặc biệt, phải có các biện pháp giải ngân nhanh trong năm 2017, bao gồm các dự án BOT, BT, các dự án hạ tầng giao thông.

Nâng cao hiệu quả đầu tư công và xử lý nợ xấu

Chia sẻ bên lề kỳ họp, đại biểu Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng) cho rằng, nếu liên kết các giải pháp ngắn hạn và dài hạn trong năm 2017 có thể thấy, nhóm giải pháp nâng cao hiệu quả, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế vẫn chủ yếu dựa vào đầu tư công. Những giải pháp gần nhất là cần nhanh chóng triển khai các dự án: Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, giải quyết chống ngập khu vực TPHCM, đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam...

Ông Nguyễn Đức Kiên phân tích, nỗ lực nâng cao hiệu quả sản xuất của doanh nghiệp, khả năng cạnh tranh của hàng Việt Nam thông qua các sản phẩm nội địa chưa đúng như mong muốn của nền kinh tế và dư luận xã hội. Bên cạnh giải pháp về đầu tư công, giải pháp căn cơ là: Sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng, ban hành Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng sẽ góp phần giúp hệ thống tổ chức tín dụng thật sự lành mạnh, hạ lãi vay của nền kinh tế, làm cho giá vốn của Việt Nam có khả năng cạnh tranh, tương đương với các nước trong khu vực. Đây cũng chính là hỗ trợ rất quan trọng, dài lâu giúp doanh nghiệp phát triển.

“Đã có 610.000 tỉ đồng nợ xấu được xử lý trong 4 năm qua, trong đó có 65% các tổ chức tín dụng tự xử lý và 44% là thông qua các hoạt động của Ngân hàng Nhà nước cho thấy nhận định của Chính phủ về thực trạng nền kinh tế Việt Nam rất chuẩn xác”, đại biểu nhấn mạnh.

"Tăng tín dụng thêm 2% sẽ không gây lạm phát tiền tệ bởi lạm phát cơ bản cho đến nay vẫn diễn biến thuận lợi. Quý I/2017 lạm phát cơ bản chỉ tăng 1,66% so với bình quân năm 2016. Ngay cả tình huống năm 2017, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng cao hơn 4% so với năm 2016 nhưng dưới 5% cũng chỉ có tác dụng kích thích tăng trưởng không đáng lo ngại", Đại biểu Lê Thu Hà.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn