MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - an ninh (Ảnh: Q.H)

“Kiểm toán bay trên trời, còn tham nhũng đi dưới đất nên ít khi gặp nhau”

Xuân Hải LDO | 03/10/2016 18:16
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt đã nói như vậy tại phiên họp chiều 3.10, của Ủy ban thường vụ Quốc hội khi cho ý kiến về kế hoạch kiểm toán năm 2017 của Kiểm toán nhà nước.

Theo báo cáo dự kiến về kế hoạch kiểm toán (KHKT) năm 2017 của Kiểm toán nhà nước, năm 2017 toàn ngành tập trung lựa chọn 211 đầu mối, đơn vị, chủ đề kiểm toán (tăng so với kế hoạch kiểm toán năm 2016 là 16 đầu mối, đơn vị, chủ đề kiểm toán) để tổ chức thành 228 cuộc kiểm toán, tăng so với kế hoạch kiểm toán năm 2016 là 8 cuộc kiểm toán. 

Dự kiến KHKT năm 2017 là 14 bộ, cơ quan TW, 47 địa phương; Năm 2016: 16 bộ, cơ quan TW, 48 địa phương; Năm 2015: 18 bộ, cơ quan TW, 50 địa phương.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt nêu thực tế: Vừa qua chúng ta thanh tra, kiểm tra nhiều nhưng hiệu quả kiểm tra thấp. Vụ Vinashin có hơn 10 đoàn kiểm tra, kiểm toán vào nhưng không phát hiện được, sau đó mới phát hiện ra. Sau này từ những vụ án, vụ việc từ việc đơn giản nhưng sau đó ra hàng loạt vấn đề. Chia sẻ với Kiểm toán vì cơ chế nước mình tồn tại 2 chính sách, 2 khoản chi tiêu, 2 khoản thu nhập trong khi Kiểm toán chỉ đi 1 đường thôi. Ví dụ như lương và lậu, lậu thì chính mà lương thì ít. Lậu chi phối lương. Luật và lệ thì lệ chi phối, vô hiệu hóa luật. Nhiều người nói với tôi, kiểm tra, kiểm toán với tham nhũng, tiêu cực là 2 đường thẳng song song. Kiểm toán bay trên trời còn tham nhũng đi dưới đất nên hai ông này ít khi gặp nhau, thỉnh thoảng có ga mới gặp được nhau. Mà ga đó nhờ người dân, nhờ báo chí phát hiện.
“Mà cơ chế của ta lạ lắm. Họp 3 ngày thì khai 5 ngày, nhưng thanh tra, kiểm toán không làm gì được, không trách gì anh em, mà do cơ chế. Phải tập trung xử lý, sửa từ cơ chế chính sách, đặc biệt là cơ chế” – ông Việt chia sẻ.
Ông Việt đề nghị năm tới kiểm toán tập trung mấy vấn đề lớn mà nhân dân bức xúc. Thứ nhất là cơ chế xin – cho. Kiểm toán phải làm được, có cơ chế xin – cho hay không, và xin – cho ở đâu? Thứ hai là những công trình, dự án lớn mà gây thất thoát, lãng phí lớn ngân sách nhà nước. Ví dụ, dự án nhà máy gang thép Thái Nguyên bây giờ làm hay không làm, nếu làm thì đội vốn. Đường sắt Cát Linh đầu tiên đấu thầu Pháp bỏ với 500 triệu USD, sau đó Trung Quốc bỏ hơn 300 triệu USD nhưng bây giờ đã đội vốn lên đến 1 tỷ mấy USD, là sao?. Cái này nhân dân, xã hội rất quan tâm nên ta phải kiểm toán. Thứ ba là BOT, vừa rồi báo chí nói nhiều, dư luận râm ran, cần lưu ý.
Ông Việt đề nghị cần giảm việc kiểm toán các cơ quan không lớn lắm để tập trung các vấn đề bức xúc của xã hội, nếu làm theo kế hoạch như đã kê khai thì sợ rằng lực lượng kiểm toán không đủ để tập trung kiểm toán những vấn đề lớn của đất nước.

Cơ bản đồng tình với kế hoạch kiểm toán năm 2017, song  Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng đề nghị, cần tập trung kiểm toán vào những vấn đề lớn, bổ sung vào kế hoạch kiểm toán chuyên đề về quản lý nợ công để làm rõ quản lý và sử dụng vốn ODA, gắn với nội dung mà UBTVQH giám sát. Đồng thời, nên lồng ghép các nội dung, mục tiêu kiểm toán để hạn chế chồng chéo, công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán các số liệu phải được sử dụng được như nhau như vậy thì mới mang tính thống nhất và khoa học. 

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Cần quan tâm đến 2 chuyên đề mà QH sẽ giám sát, đó là các dự án giao thông đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với ngư dân và phát triển kinh tế biển, để thông qua đó, chúng ta quản lý tốt tài chính. 

“Sau khi kiểm toán xong thì có kiến nghị công khai, theo dõi để giữ nghiêm kỷ luật tài chính”, Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng nói.

Clip Phiên họp thứ 4 của UBTVQH.

 



Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn