MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
ĐB Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị) - Ảnh: Q.H

Liên tục “giải cứu” nông sản, Bộ trưởng có trách nhiệm gì?

Xuân Hải (ghi) LDO | 11/06/2017 18:23
Đó là ý kiến của ĐB Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị), Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khi trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội về vấn đề ông quan tâm và sẽ chất vấn các thành viên Chính phủ vào phiên chất vấn, trả lời chất vấn diễn ra từ ngày 13 – 16.6 tới đây.

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp thứ 3 Quốc hôi khóa XIV sẽ diễn ra từ ngày 13 – 16.6 tới đây, ông sẽ quan tâm đến vấn đề gì và tham gia chất vấn bộ trưởng nào, thưa ông?

Tất nhiên nội dung chất vấn sẽ phải tập trung vào nội dung mà Chính phủ và 4 bộ trưởng sẽ trả lời chất vấn là nông nghiệp và phát triển nông thôn (NNPTNT), Y tế, Kế hoạch Đầu tư và Văn hóa, Thể thao & du lịch.

Chẳng hạn, trong lĩnh vực nông nghiệp, gần đây chúng ta liên tục phải đặt ra vấn đề “giải cứu” nông sản, điều này Bộ trưởng Bộ NNPTNT có trách nhiệm gì?

Hiện nay nhiều mặt hàng nông sản chúng ta đang thua ngay trên sân nhà, rất nhiều sản phẩm nông sản của nước ngoài, từ gạo, thịt bò tràn ngập, lấn chiếm thị trường nước ta. Vì vậy không có cách nào khác là chúng ta phải tự cứu lấy mình, phải chiếm lĩnh thị trường 90 triệu dân trong nước trước rồi mới đẩy mạnh xuất khẩu ra nước ngoài.

Trên lĩnh vực nông nghiệp, năm ngoái tăng trưởng giảm nhưng đầu năm nay đã có tiến triển tốt. Tôi đánh giá rất cao gói tín dụng 100.000 tỷ đồng đầu tư cho NNPTNT mà Chính phủ đã quyết định bung ra, nếu làm tốt sẽ giúp tăng giá trị của ngành nông nghiệp, thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tăng sức cạnh tranh của các sản phẩm, chuỗi giá trị trong ngành nông nghiệp.

Việc chấn chỉnh cung cách làm việc của cán bộ, bộ máy hành chính của nhà nước, hay việc bổ nhiệm người thân, người nhà làm quan diễn ra tại nhiều bộ ngành, địa phương được dư luận rất quan tâm. Vậy ông có chất vấn các thành viên Chính phủ về việc này?

Đây cũng là vấn đề không chỉ người dân, cả Chính phủ, Quốc hội đều rất quan tâm. Vì vậy, Chính phủ, các ĐBQH đã đề xuất, đặt vấn đề trong chương trình giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải có nội dung giám sát về tổ chức bộ máy nhà nước. 

Thời gian qua, Chính phủ cũng đã có những động thái, chỉ đạo rất quyết liệt trong lĩnh vực này. Thủ tướng Chính phủ đã thành lập một tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng để đôn đốc các công việc mà Thủ tướng đã giao cho các bộ ngành, nhằm kịp thời chỉ đạo. Với tinh thần cải cách như vậy, tôi nghĩ sẽ có sự chuyển biến tốt trong công tác tổ chức bộ máy và hành chính của nhà nước.

Dư luận đang quan tâm đến 12 dự án nghìn tỷ đồng thua lỗ, bỏ hoang, gây ra sự lãng phí. Vậy ông có chất vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư và Chính phủ trong phiên chất vấn tới đây về vấn đề trách nhiệm, cũng như việc xử lý các dự án này hay không?

Không phải bây giờ, các ĐBQH mới đặt ra vấn đề này mà ngay từ các phiên chất vấn ở các kỳ họp trước đã được đặt ra nhiều lần. Chính phủ cũng đang chỉ đạo rất quyết liệt để rà soát lại 12 dự án, đã phát hiện ra lỗi rồi, hậu quả cũng đã xác định được là rất lớn, khoảng 63.000 tỷ đồng. Bây giờ vấn đề đặt ra là hướng, các giải pháp xử lý như thế nào? Đây là một nguồn lực rất lớn của đất nước, càng để tồn đọng lâu, lãng phí càng lớn.

Trước mắt tôi cho rằng cần xử lý về mặt kinh tế, cái gì có thể huy động, tái tạo quay trở lại được, cái gì có thể bán thì làm để huy động tối đa về mặt kinh tế. Thứ hai là xử lý hành chính đối với những tổ chức, cá nhân liên quan tới thất thoát, lãng phí này. Hai giải pháp làm song hành thì mới có hiệu quả.

Cảm ơn ông!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn