MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Lưu Bình Nhưỡng - Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội. Ảnh: X.H

Lộ tên người tố cáo ở Đồng Tháp: Nếu ông Điệp bị hành hung thì ai cứu?

Xuân Hải (thực hiện) LDO | 08/06/2017 11:46
Liên quan đến việc ông Nguyễn Văn Dương - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp - nhận được đơn tố cáo của người dân đã ký quyết định thụ lý giải quyết vụ việc. Tuy nhiên, trong quyết định này lại công khai họ tên, địa chỉ… của người tố cáo, khiến người gửi đơn bức xúc và khiếu kiện đến các cấp Trung ương.

Trao đổi với Báo Lao Động, ông Lưu Bình Nhưỡng - Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho biết: Trong trường hợp người tố cáo bị tiết lộ danh tính như báo chí vừa nêu, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp phải có ngay phương án để bảo vệ (ông Võ Văn Điệp – người tố cáo). Tức là tỉnh Đồng Tháp phải có phương án bảo vệ rõ ràng, chứ không thể nói suông được, bởi vì nếu không có phương án bảo vệ lỡ có vấn đề gì xảy ra với ông Điệp, như bị hành hung, đánh giữa đường thì ai cứu ông Điệp.

Do vậy, tôi nhắc lại, nếu danh tính người tố cáo đã bị tiết lộ rồi thì phải bảo vệ ngay người tố cáo nếu không sẽ rất nguy hiểm. Và việc tiết lộ danh tính người tố cáo là không đúng với qui định của Luật Tố cáo.

Ông Huỳnh Thanh Sơn - Phó trưởng Ban Tiếp công dân tỉnh Đồng Tháp - đã thừa nhận việc để lộ danh tính ông Võ Văn Điệp – người tố cáo là do cán bộ tham mưu có sơ suất. Ông có ý kiến như thế nào về vấn đề này?

Theo tôi, việc này phải làm rõ trách nhiệm bộ phận tham mưu ở đây là phòng, ban nào, thậm chí cán bộ nào làm tắc trách như vậy để xử lý nghiêm, vì công bố danh tính của người tố cáo là vi phạm qui định của pháp luật. Tuy nhiên, cũng cần phải xem xét việc đó đã để xảy ra hậu quả gì chưa.

Qua việc đi giám sát ở nhiều địa phương, tôi cũng đã nói với các đồng chí lãnh đạo địa phương rằng, muốn công việc hiệu quả thì đội ngũ tham mưu cho lãnh đạo phải giỏi, còn nếu cán bộ tham mưu không giỏi thì công việc không những không hoàn thành mà thậm chí còn hỏng việc. Trong trường hợp này, theo tôi là phải căn cứ vào các qui định của pháp luật để kiểm điểm người tham mưu.

Như ông vừa nói, trong trường hợp này phải có phương án bảo vệ người tố cáo nếu có việc gì xảy ra thì sẽ rất nguy hiểm, vậy ông đánh giá như thế nào về vấn đề bảo vệ người tố cáo hiện nay?

Hiện nay, chúng ta chưa có cơ chế hữu hiệu nào để bảo vệ người tố cáo. Ví dụ việc giữ bí mật cũng là một cách để bảo vệ người tố cáo, nhưng khi thông tin của người tố cáo bị rò rỉ thì phương án bảo vệ như thế nào là không có, như bảo vệ tại nhà hay đưa họ đi đâu để bảo vệ người tố cáo. Do vậy, theo tôi, cần phải có một qui định cụ thể, rõ ràng trong việc bảo vệ người tố cáo và qui định xử lý vụ việc người tố cáo bị tiết lộ. Nếu không có qui định như vậy sẽ khó xử lý những trường hợp tiết lộ danh tính người tố cáo và người dân sẽ không dám tố cáo những việc làm sai trái nữa.   

Cảm ơn ông!

Ngày 14.2, ông Võ Văn Điệp (59 tuổi, ngụ ấp Hòa Long, xã Hòa An, TP. Cao Lãnh) gửi đơn đến UBND tỉnh Đồng Tháp tố cáo ông Phan Văn Thương (Chủ tịch UBND TP. Cao Lãnh) và ông Đặng Văn Nang (Phó Chủ tịch UBND TP. Cao Lãnh) vì cho rằng hai ông này có tiêu cực liên quan đến dự án.

Hơn 1 tháng sau, ông Điệp nhận được thông báo của UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành quyết định số 37/QĐ-UBND-TL ngày 27.3.2017 về việc thụ lý giải quyết và giao nhiệm vụ xác minh nội dung tố cáo của ông Điệp. Tuy nhiên, ông Điệp tá hỏa khi thấy họ tên, địa chỉ… của ông (tức người tố cáo) bị công khai trong quyết định. Sau đó, ông Điệp đã bức xúc và gửi đơn khiếu kiện sự việc trên đến các cấp Trung ương.

Điều 8 của Luật Tố cáo có quy định rõ những hành vi bị nghiêm cấm như: "Tiết lộ họ, tên, địa chỉ, bút tích của người tố cáo và những thông tin khác có thể làm lộ danh tính của người tố cáo".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn