MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2017. Ảnh: Hải Nguyễn

Nhiều bộ, ngành, địa phương chỉ “giải thích chứ không giải quyết“

K.Linh LDO | 17/05/2017 10:58
Ngày 17.5, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2017. Hội nghị có chủ đề “Đồng hành cùng doanh nghiệp” với sự tham dự của khoảng 2.000 đại biểu quy tụ lực lượng doanh nghiệp đông đảo nhất từ trước đến nay.

“Tôi muốn làm cho Hà Nội đẹp như Paris”

Phát biểu chỉ đạo khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn lại lời của nhà tư sản dân tộc Bạch Thái Bưởi “tôi muốn làm cho Hà Nội đẹp như Paris”, chí sĩ Lương Văn Can “việc buôn bán thịnh suy có quan hệ đến quốc dân thịnh suy”... và cho rằng, những bài học, hoài bão của tiền nhân sẽ là cảm hứng cho đội ngũ doanh nhân hiện nay khởi nghiệp và phát triển.

Thủ tướng nhấn mạnh, tuy đã làm được nhiều việc nhưng chúng ta còn rất nhiều việc phải làm phía trước, bởi còn rất nhiều rào cản cho sự phát triển của doanh nghiệp (DN).

Thủ tướng nhận định, năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh nhưng tốc độ tăng GDP đạt thấp, quý I/2017 chỉ đạt 5,1%, thấp hơn so với cùng kỳ của năm 2015 và 2016. Tái cơ cấu kinh tế trong các ngành, lĩnh vực còn chậm, sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, số lượng DN giải thể, ngừng hoạt động còn ở mức cao. Chính phủ điện tử đưa vào áp dụng đã phần nào tháo gỡ khó khăn, tiết kiệm thời gian cho DN nhưng chưa triệt để, DN vẫn phản ánh vướng mắc nhiều trong các vấn đề: đất đai, tín dụng, thuế, hải quan…; trình độ công nghệ lạc hậu dẫn đến năng lực cạnh tranh nói chung của DN còn thấp.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn lại lời của nhà tư sản dân tộc Bạch Thái Bưởi “tôi muốn làm cho Hà Nội đẹp như Paris”. Ảnh: Hải Nguyễn

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang làm thay đổi căn bản phương thức sản xuất và thương mại trên thế giới. Việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc về phát triển bền vững và thực hiện các cam kết hội nhập quốc tế, nhất là các Hiệp định FTA thế hệ mới mở ra nhiều cơ hội thuận lợi nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức.

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2017 với mục tiêu tổng quát là bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tạo chuyển biến rõ trong thực hiện 3 đột phá chiến lược; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế. Các chỉ tiêu chủ yếu gồm: tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,7%; Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 6-7%; Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 3,5%; Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 31,5% GDP.

“Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% của cả năm 2017, áp lực lên 9 tháng cuối năm là rất lớn khi phải đạt mức tăng trưởng 7%. Khu vực DN đóng vai trò quan trọng, then chốt trong việc thực hiện và đạt được các mục tiêu trên” – Thủ tướng khẳng định.

Tại Hội nghị, Thủ tướng mong muốn các đại biểu góp ý thẳng thắn, chân thành và xây dựng, qua đó đề xuất nhiều giải pháp thiết thực về cải cách thủ tục hành chính, xây dựng một Chính phủ hành động luôn đồng hành cùng DN, tạo điều kiện thuận lợi nhất để DN nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững.

Nhiều bộ, ngành, địa phương "giải thích chứ không giải quyết"

Từ góc độ DN, Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - trình bày báo cáo kết quả sau 1 năm thực hiện Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển DN.

Nhấn mạnh những kết quả cụ thể, toàn diện đã đạt được sau 1 năm thực hiện Nghị quyết 35, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh: Lãnh đạo Chính phủ, nhiều bộ ngành địa phương đã vào cuộc quyết liệt với tinh thần trong Chính phủ “không có chỗ để bàn lùi”, “Thủ tướng đã làm được những việc ấm lòng thực sự tiếp sức cho DN”.

Tuy nhiên, ông Lộc cho rằng, những kết quả đạt được mới chỉ là bước đầu, thực tế vẫn còn không ít khó khăn. Việt Nam đang là một nền kinh tế có chi phí kinh doanh lớn nhất trong khu vực cả về chính thức và không chính thức.

Bên cạnh đó, sự thay đổi chính sách đột ngột, sự hồi tố trong kinh doanh, nhiều địa phương vẫn lạm dụng thanh tra, kiểm tra với nội dung trùng lặp; nhiều điều kiện sản xuất kinh doanh không phù hợp; nhiều bộ ngành địa phương chỉ giải thích, không giải quyết kiến nghị của DN... vẫn là những thách thức, rào cản cần giải quyết, gỡ bỏ trong thời gian tới.

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn