MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Phạm Tất Thắng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Ảnh: Q.H

Quốc hội thảo luận dự án Luật về hội: Băn khoăn với “Hội được liên kết, nhận tài trợ nước ngoài”

XUÂN HẢI LDO | 26/10/2016 09:48
Ngày 25.10, Quốc hội thảo luận tại hội trường dự án Luật về hội. Hiện nay cả nước có khoảng 63.000 hội có đăng ký và đang hoạt động. Tại phiên thảo luận, vẫn còn nhiều băn khoăn về dự thảo các điều luật, đặc biệt là các quy định “hội không liên kết”, “gia nhập các hội nước ngoài”, “không nhận tài trợ nước ngoài”...

Khi nào hội được liên kết, nhận tài trợ nước ngoài?

Khoản 5 Điều 8 của dự thảo Luật quy định, “hội không liên kết, gia nhập các hội nước ngoài, không nhận tài trợ nước ngoài; trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định”.

Báo cáo giải trình, tiếp thu trước Quốc hội, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định, quy định này nhằm phòng ngừa việc lợi dụng liên kết, gia nhập các hội nước ngoài, nhận tài trợ nước ngoài để hoạt động trái pháp luật, chống phá nhà nước và chế độ, làm ảnh hưởng đến cuộc sống bình yên của nhân dân.

Theo báo cáo của Bộ Nội vụ (cơ quan giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về hội), hiện nay cả nước có khoảng 63.000 hội có đăng ký và đang hoạt động thì số lượng hội có liên kết, gia nhập, nhận tài trợ nước ngoài không nhiều.

“Do đó, đối với các trường hợp đặc biệt này sẽ do Chính phủ quy định cụ thể là hợp lý”, ông Định cho biết.

Lấy dẫn chứng từ chính Hội Chữ thập đỏ, theo ĐB Nguyễn Thị Xuân Thu (Khánh Hòa), nếu quy định như vậy chắc chắn sẽ gây khó khăn cho hoạt động của hội và hạn chế việc tiếp nhận các nguồn viện trợ, cứu trợ của các tổ chức quốc tế, phục vụ cho mục đích nhân đạo tại Việt Nam, cũng như việc thực hiện nghĩa vụ nhân đạo của Việt Nam đối với các nước.

“Các cá nhân, tổ chức quốc tế tham gia hoạt động Chữ thập đỏ ở Việt Nam có được phép không? Hội Chữ thập đỏ Việt Nam hiện nay là thành viên của phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, gia nhập 4 công ước Geneve về việc bảo hộ nạn nhân chiến tranh có bị vi phạm theo dự thảo luật này không?”, ĐB Thu băn khoăn.

Băn khoăn về quản lý

ĐB Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) chỉ ra thực tế, rất nhiều tổ chức hội nhận tài trợ nước ngoài để nâng cao trình độ hội viên. Tuy có những hội lợi dụng việc nhận tài trợ của nước ngoài, gia nhập các hội nước ngoài nhưng chúng ta có đủ bộ máy quản lý nhà nước, pháp luật để xử lý.

Trong khi đó, ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) đặt vấn đề, số hội nhận tài trợ của nước ngoài không nhiều thì không nhiều là bao nhiêu? Báo cáo không có con số cụ thể!

“Khoản 12, Điều 23 của Nghị định 45 quy định, Hội được nhận các nguồn tài trợ hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Nay luật không cho phép thì xử lý như thế nào? Căn cứ nào để xác định “trường hợp đặc biệt” được nhận tài trợ của nước ngoài thì cần phải quy định rõ ở trong luật”.

Ông Cương cũng lưu ý: “Tôi nhất trí với báo cáo giải trình là phòng ngừa việc liên kết, gia nhập, nhận tài trợ nước ngoài để hoạt động trái pháp luật, chống phá Nhà nước và chế độ. Nhưng cũng không nên phủ nhận trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay việc các hội liên kết gia nhập các tổ chức quốc tế là xu hướng tự nhiên và tất yếu...”.

ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng, ban soạn thảo cần nghiên cứu, xem xét lại quy định này. Khi dự thảo luật vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, chưa đảm bảo chất lượng thì chưa nên thông qua tại kỳ họp này.

Ghi nhận ý kiến của ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết: Trong luật có 33 điều, thì 32 điều các ĐB đều có ý kiến, duy nhất còn Điều 33 (Hiệu lực thi hành - PV). Ban soạn thảo xin ghi nhận và tiếp thu tất cả các ý kiến.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh: Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu, tiếp thu, giải trình ý kiến ĐBQH đầy đủ, ý kiến đóng góp của các cơ quan hữu quan gửi đến trong quá trình chuẩn bị xây dựng dự án luật này. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ có văn bản báo cáo trước Quốc hội trong phiên họp tới đây với tính thần là chuẩn bị có luật tốt về hội bảo đảm chất lượng, bảo đảm quyền lập hội của công dân và yêu cầu quản lý của Nhà nước.

Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Bùi Văn Cường: Cần quản lý chặt chẽ việc thành lập hội

Cho ý kiến vào dự án luật về hội tại phiên thảo luận ở hội trường chiều 25.10, ĐBQH Bùi Văn Cường (đoàn Gia Lai) - Chủ tịch Tổng LĐLĐVN - nói: Do dự luật còn nhiều ý kiến khác nhau nên tôi đề nghị cân nhắc, xem xét đúng như ý kiến của đồng chí Chủ tịch Quốc hội là còn nhiều ý kiến khác nhau thì tiếp tục lấy ý kiến, xem xét cân nhắc để khi chín muồi thì thông qua.

Ông Cường cho biết: Về câu chuyện liên quan đến tham gia TPP, khi tổ chức của người lao động khác không tham gia đối với công đoàn Việt Nam có được điều chỉnh bởi luật này hay luật khác, cũng cần phải được nghiên cứu xem xét. Bởi vì vừa rồi chúng ta mới ký TPP thì đã có 3 đơn vị doanh nghiệp xin lập tổ chức công đoàn riêng. Cần quản lý chặt chẽ việc lập hội.

Về việc công nhận điều lệ của hội, ĐBQH Bùi Văn Cường đề nghị những tổ chức hội đã được Thủ tướng hay Bộ trưởng Bộ Nội vụ phê duyệt điều lệ rồi thì địa phương không phải tổ chức phê duyệt nữa, chứ quy định để địa phương phê duyệt điều lệ nữa sẽ rất mất thời gian. Một điều nữa là cần quy định số lượng trần thành viên ban lãnh đạo của hội ở điều 20 dự thảo, tránh câu chuyện sau này sẽ hội toàn cấp phó hết. X.H

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn