MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Để cây điều thật sự hồi sinh

Hoàng Huy LDO | 03/06/2018 12:20

Bằng nhiều nỗ lực khác nhau, vườn điều đầu năm 2018 đã dần hồi phục. Có nơi đạt 2 tấn/ha. Dù vậy, cây điều vẫn mới chập chững từng bước sau cơn suy thoái vì dịch bệnh. Để cây điều phát triển tốt rất cần chăm sóc tốt hơn nữa.

Điểm mới tại Bình Phước

Bình Phước quy hoạch đến năm 2020, tổng diện tích điều toàn tỉnh sẽ là 181.000ha, trong đó diện tích điều trên đất rừng sản xuất là 43.300ha. Về năng suất, sản lượng phấn đấu năng suất trung bình đạt  trên 2 tấn/ha. Từ năm 2015 đến 2018, hàng loạt cây điều tại miền Đông nói riêng và cả nước nói chung bị ảnh hưởng thời tiết và sâu bệnh nghiêm trọng. Chính điều này ảnh hưởng lớn đến người trồng. Để tháo gỡ khó khăn này, Bình Phước đã tập trung nhiều nguồn lực nhằm khôi phục vườn điều cho người trồng.

Bà Lê Thị Ánh Tuyết, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước cho biết, cuối 2015 đến đầu năm 2018, liên tục xuất hiện mưa trái mùa đúng thời điểm cây điều ra hoa thụ phấn làm ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình phân hóa mầm hoa và thụ phấn của cây điều. Trong thời kỳ nuôi trái, nếu xuất hiện mưa trái mùa, độ ẩm trong vườn điều tăng cao, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho bọ xít muỗi và bệnh thán thư trên cây điều phát triển, phát tán mạnh gây ảnh hưởng lớn đến năng suất và chất lượng vườn điều. Niên vụ 2017-2018, nhiều vườn điều do ảnh hưởng mưa kéo dài từ niên vụ trước nên nguồn lực đầu tư của người dân cũng giảm sút, cây suy kiệt.

Tỉnh đã tổ chức ra quân cứu hộ đến từng vườn điều của bà con. Đợt ra quân đã huy động toàn bộ lực lượng của hệ thống chính trị vào cuộc, trong đó lực lượng cán bộ kỹ thuật về khuyến nông và bảo vệ thực vật của Sở NNPTNT làm nòng cốt. Lực lượng kỹ thuật, chuyên gia đã đến tận nơi, gặp trực tiếp bà con ngay tại vườn, “cầm tay chỉ việc” cho bà con kỹ thuật phòng trừ bọ xít muỗi, thán thư và khô cành cháy lá trên cây điều. Kết quả, đến cuối tháng 12/2017, hơn 80% diện tích điều đã phục hồi tốt, 20% còn lại ngăn chặn được suy kiệt và đang phục hồi.

Để cây điều hồi phục tốt hơn

Từ kinh nghiệm tại Bình Phước, các kỹ sư khuyến cáo cần chăm sóc cây điều tốt hơn. Nhất là ở giai đoạn ra hoa, đậu trái. Bởi, ở giai đoạn này cần bổ sung đủ hàm lượng lân (P2O5) và boro (B) để giúp quá trình hình thành và phân hóa mầm hoa được tốt.

- Giai đoạn điều ra bông: Ở giai đoạn này cần bổ sung những nguyên tố vi lượng như Boro (B), kẽm, Mangan (Mn) để cây điều ra hoa tập trung và tăng khả năng đậu quả, có thể sử dụng các sản phẩm như: Siêu bo kẽm, Botrac, Boron,…

-  Giai đoạn đậu trái và nuôi dưỡng trái: Cần bổ sung các nguyên tố vi lượng cần thiết như: Boro, kẽm, canxi, kali… tăng khả năng đậu trái cũng như chất lượng trái, có thể sử dụng kết hợp các sản phẩm như: Siêu bo kẽm và Nutrimax,…

Một số sâu bệnh hại chủ yếu trên cây điều giai đoạn ra hoa, đậu trái và biện pháp phòng trừ:

Bọ xít muỗi:
- Biện pháp phòng trừ: Vệ sinh đồng ruộng, làm cỏ, phát quang bụi rậm để vườn thông thoáng giúp giảm mật số bọ xít muỗi trong vườn. Sử dụng các loại thuốc trừ sâu thuộc nhóm Pyrethoid có hiệu quả cao trong việc phòng trừ bọ xít muỗi, có thể dùng các loại thuốc bảo vệ thực vật có hoạt chất Alpha Cypermethrin, Cypermethyl như Alfathrin,…

Bọ đục chồi:
Việc phun thuốc trừ sâu có hiệu quả thấp vì trứng và sâu non ở trong lõi chồi, cần phun thuốc khi trưởng thành đi đẻ trứng lúc vườn điều đang ra chồi non. Kiến vàng là loài thiên địch kiểm soát rất có hiệu quả đối với bọ đục chồi (bọ trưởng thành thường cần hơn 1 giờ để đục lỗ đẻ trứng trong khi kiến vàng thường đi lại trên chồi non 30 – 60 giây một lần) bọ đục chồi trưởng thành thường bị xua đuổi hoặc săn bắt khi có kiến vàng trên cây.

Bọ trĩ: 
- Biện pháp phòng trừ: Vệ sinh vườn sạch sẽ, cắt tỉa cành thông thoáng để hạn chế sự phát sinh và phát triển của bọ trĩ. Phun xịt các loại thuốc có hoạt chất Alpha Cypermethrin, Abamectin để phòng trừ.

Bệnh thán thư:
- Biện pháp phòng trừ: Vệ sinh đồng ruộng, dọn sạch cỏ, phát quang bụi rậm để vườn thông thoáng, cắt tỉa và đốt các cành bị sâu bệnh, chết khô nhằm tiêu diệt mầm bệnh tiềm tàng trong vườn. Có thể sử dụng những thuốc có hoạt chất như Hexaconazole (Jiavin), các hoạt chất hỗn hợp như Metalaxyl + Mancozeb (Ridomil gold 68WP) để phòng trừ bệnh hại trên cành hoa và quả non.

Bệnh khô bông:
- Biện pháp phòng trừ: Vệ sinh đồng ruộng, cắt tỉa tán, đốn thưa làm cho vườn thông thoáng có nhiều ánh sáng xuyên qua tán xuống mặt đất, phòng trừ bọ xít muỗi trong giai đoạn cây ra chồi, lá non và ra hoa. 
Ngoài ra cần chú ý đến việc bón phân theo từng giai đoạn. Việc tiêu thụ cũng cần chú ý. Kinh nghiệm tại Bình Phước là gắn với các Cty, nhà máy thu mua sản phẩm để họ đồng hành với người trồng.  

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn