MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Phạm Tất Thắng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban VH,GD,TN - TN& NĐ của Quốc hội

Sáp nhập Sở có đảm bảo việc “loại” người kém, giữ người giỏi?

Xuân Hải -Trần Vương LDO | 30/03/2017 08:55
Phó Chủ nhiệm Ủy ban VH ,GD, TN-TN & NĐ của Quốc hội Phạm Tất Thắng đã băn khoăn như vậy khi cho ý kiến về dự thảo Nghị định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành trực thuộc Trung ương đang được Bộ Nội vụ lấy ý kiến.

Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành trực thuộc Trung ương. Theo dự thảo, sẽ hợp nhất một số cơ quan như, nhập Sở Kế hoạch và đầu tư với Sở Tài chính thành Sở Kế hoạch - tài chính; Sở Xây dựng sáp nhập với Sở Giao thông vận tải thành Sở Giao thông – xây dựng, riêng tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thì sẽ sáp nhập thêm Sở Quy hoạch và kiến trúc thành Sở Giao thông, xây dựng và phát triển đô thị. Ngoài ra, Sở Du lịch sẽ được tách từ Sở Văn hóa, thể thao và du lịch.

Dự thảo này đang được dư luận rất quan tâm, trao đổi với Lao Động về vấn đề này, ông Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng (VHGDTN - TN&NĐ) của Quốc hội cho rằng, dự thảo phù hợp với thời điểm hiện nay cả nước đang thực hiện tinh giản biên chế, tinh giản bộ máy nhà nước đỡ cồng kềnh.

“Tôi cho rằng để bộ máy công quyền làm việc hiệu quả hơn thì việc sắp xếp lại một số Sở có chức năng tương đồng với nhau là một trong những giải pháp mạnh mẽ” – ông Thắng nói.

Ông Thắng cũng cho rằng, vấn đề ở đây là khi chúng ta nhập hay tách Sở thì không chỉ là bộ máy mà còn là vấn đề con người. Ông Thắng băn khoăn, “Vậy bao nhiêu lãnh đạo của các Sở này sẽ bố trí như thế nào, bao nhiêu cấp phó, trưởng phòng bố trí công việc ra sao. Đây là bài toán khó”.

“Việc tách hay nhập các Sở lại với nhau trước tiên phải tính đến hiệu quả công việc, có ai dám khẳng định rằng sau khi tách hay nhập thì vai trò của Sở mới có đáp ứng được mong muốn hay không và liệu sau này có phải tách Sở ra nữa hay không, vì việc sáp nhập Sở không đơn thuần chỉ là giải pháp mang tính tổ chức, đó là nhập cho gọn bộ máy hay tách ra để thêm cơ quan chuyên sâu. Do vậy việc này cần phải tính toán kỹ và nên thí điểm ở một vài địa phương trước rồi sau đó tổng kết xem nếu hiệu quả thì triển khai rộng rãi trên toàn quốc” – ông Thắng nhấn mạnh.

Theo ông Thắng, bài toán lớn nhất khi tính chuyện sáp nhập Sở, đó là rõ ràng ở 2 cơ quan tương tự nhau hoặc gần nhau thì cơ quan chuyên môn, nhân sự của Sở đó sẽ thừa ra. Vậy giải quyết vấn đề việc làm cho người lao động thế nào, đây là điều khiến tôi băn khoăn nhất.

Ông Thắng cũng lưu ý, chúng ta tính toán tới mục tiêu nhập là để tinh gọn bộ máy, nhưng cũng phải quan tâm tới quyền lợi của người lao động. Do vậy, ông Thắng cho rằng để giải quyết vấn đề nhân sự khi sát nhập Sở thì chúng ta phải tổ chức thi, phân loại đánh giá cán bộ, nhân viên một cách chính xác để từ đó lựa chọn, giữ lại những người làm việc hiệu quả, còn những người không đáp ứng được yêu cầu thì tự tìm cho mình một công việc khác phù hợp với năng lực của bản thân. Lúc sáp nhập này cũng là cơ hội để chúng ta tinh giản biên chế, tinh giản bộ máy, chọn lọc được cán bộ có năng lực, trách nhiệm thực sự đáp ứng được yêu cầu.

Tuy nhiên, về thực tế thì câu chuyện lựa chọn, bố trí cán bộ, nhân viên không hề đơn giản. Từ việc đánh giá như thế nào về năng lực thực tế của cán bộ hiện nay, đến cán bộ, nhân viên đó là con em của ai còn là bài toán khó, chưa có lời giải cuối cùng và triệt để. Do vậy nếu làm không cẩn thận thì việc sát nhập Sở hoặc sẽ không giảm được bao nhiêu hoặc thậm chí có thể sẽ giảm “những người không cần giảm” và giữ lại “những người không cần giữ”.

“Vậy việc sát nhập Sở có đảm bảo việc “loại” người kém, giữ người giỏi không?”, ông Thắng nêu vấn đề, đồng thời nhấn mạnh “Việc sát nhập Sở là rất cần thiết, tuy nhiên đây là bài toán cần phải cân nhắc sao đáp ứng được cả 2 yêu cầu. Thứ nhất là phải đảm bảo quyền lợi của người lao động, thứ hai là tinh gọn, tinh giản được bộ máy công quyền để làm việc hiệu quả hơn.

Ông Thắng cũng băn khoăn, phải tính kỹ có nên tách Sở Du lịch ra khởi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hay không vì trước đây chúng ta cũng đã có mô hình Sở Du lịch rồi nhưng sau đó lại sát nhập lại. Tuy nhiên, chúng ta xác định du lịch là một ngành kinh tế mũi nhọn và để phát huy được tiềm năng du lịch của đất nước thì việc đề xuất tách Sở Du lịch cũng có cơ sở.

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn