MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Xuân Hải)

Thẳng thắn nhìn rõ yếu kém khuyết điểm, kiên quyết khắc phục bằng những giải pháp đột phá

Xuân Hải LDO | 04/03/2017 10:38
Sáng 4.3, tại Hà Nội, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị toàn quốc Ngành Tổ chức xây dựng Đảng năm 2017. Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh tới dự.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Đây là lần đầu tiên, Hội nghị tổng kết Ngành Tổ chức xây dựng Đảng được tiến hành trực tuyến tại 73 điểm cầu trên cả nước. Hội nghị lần này có ý nghĩa rất quan trọng nhằm đánh giá tình hình, kết quả công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2016 và phương hướng nhiệm vụ công tác năm 2017.

“Để hội nghị đạt kết quả tốt, tôi đề nghị các đồng chí thẳng thẳn, nghiêm túc đánh giá sâu về những nội dung, những kết quả Ngành đã làm được trong năm qua phản ánh trong báo cáo đã đầy đủ chưa và có bám sát tình hình thực tiễn không?; Những hạn chế, khuyết điểm lớn nhất trong năm qua là gì, nguyên nhân và giải pháp khắc phục?; Phương pháp, phong cách, lề lối làm việc cần điều chỉnh gì không để khắc phục những tiêu cực, hạn chế, yếu kém trong công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ?; Các đồng chí chia sẻ thêm những cách làm mới, sáng tạo, những mô hình hay và những bài học kinh nghiệm; Công tác phối hợp giữa Ngành Tổ chức xây dựng Đảng với các ngành, cơ quan, đơn vị khác có gì vướng mắc, khó khăn cần tháo gỡ” - ông Chính nhấn mạnh.

Báo cáo tình hình kết quả công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2016, phương hướng nhiệm vụ công tác năm 2017 do Phó trưởng Ban thường trực Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thanh Bình trình bày nêu rõ: Năm 2016, toàn Ngành đã nhanh chóng ổn định tổ chức, kiện toàn nhân sự; xác định trọng tâm, trọng điểm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả và hoàn thành khối lượng lớn nhiệm vụ; từng bước chấn chỉnh những hạn chế, yếu kém, tiêu cực, nhất là trong công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ; được Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy các cấp ghi nhận, đánh giá cao và được cán bộ, đảng viên, nhân dân đồng tình, ủng hộ. Mạnh dạn đổi mới nhận thức, tư duy, phương pháp, phong cách, lề lối làm việc theo hướng chuyên nghiệp, khoa học và bám sát thực tế. Bộ máy cơ quan tổ chức cấp uỷ các cấp từng bước được kiện toàn; môi trường làm việc ngày càng được cải thiện; đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, công chức toàn Ngành từng bước được nâng lên. Mối quan hệ công tác trong và ngoài Ngành ngày càng chặt chẽ, có hiệu quả.

Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm kết quả đạt được, báo cáo cũng chỉ thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém. Cụ thể như vẫn chưa khắc phục được tình trạng cồng kềnh, chồng chéo, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả của tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị; chưa ngăn chặn, đẩy lùi được tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Việc thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị chưa đạt được mục tiêu đề ra.

“Công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ còn nhiều hạn chế, yếu kém, sơ hở; còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, cấp trên “sợ” cấp dưới trước thời điểm lấy phiếu tín nhiệm hoặc đánh giá cán bộ cuối năm; còn tình trạng cấp dưới chưa thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả sự chỉ đạo, lãnh đạo của cấp trên. Ở một số nơi, một số trường hợp tuy thực hiện “đúng” quy trình nhưng vẫn không chọn “trúng” người, “đúng” việc, gây bức xúc trong xã hội như các trường hợp: Nguyễn Xuân Sơn, Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy... Tình trạng trên phải chăng là do: Còn sơ sài, thiếu chặt chẽ, thiếu dân chủ trong việc giới thiệu quy hoạch, giới thiệu nhân sự? Còn kẽ hở trong quy trình, thủ tục thẩm định, đề bạt, điều động, bổ nhiệm? Công tác quản lý hồ sơ và thẩm định hồ sơ còn đơn giản, chủ quan? Công tác phối hợp kiểm tra, giám sát, theo dõi và quản lý cán bộ còn lỏng lẻo? Phân cấp quản lý cán bộ còn chưa hợp lý, dễ bị lợi dụng để hợp thức hóa? Có tiêu cực, thao túng trong công tác cán bộ?” – ông Bình nêu rõ.

Hạn chế yếu kém nữa cũng được báo cáo chỉ ra, đó là: Chưa có các giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và đảng viên. “Bệnh thành tích” trong phân loại, đánh giá tổ chức đảng, đảng viên còn phổ biến, nhiều nơi tỷ lệ cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ rất cao trong khi kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của tập thể lại chưa đạt yêu cầu.

Công tác tham mưu tuy đã có nhiều đổi mới nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của cấp ủy các cấp và thực tế đặt ra; một số đề án, nhiệm vụ được giao chưa hoàn thành.

Chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy chưa phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đội ngũ cán bộ của toàn Ngành nhìn chung còn những hạn chế, bất cập, chậm được khắc phục, nhất là năng lực nghiên cứu, dự báo và sự tích cực chủ động trong công tác.

Báo cáo cũng nêu ra những nguyên nhân của hạn chế, yếu kém. Cụ thế như, một số lãnh đạo cơ quan tổ chức cấp ủy các cấp mới được kiện toàn nên còn thiếu mạnh dạn, quyết tâm chính trị chưa cao; phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo chưa phù hợp; việc tổ chức, bố trí lực lượng chưa hợp lý... Hệ thống quy định, hành lang pháp lý còn chưa hoàn chỉnh; chính sách cán bộ còn nhiều bất cập, nhất là chính sách tiền lương và nhà ở; cơ chế kiểm tra, giám sát và quản lý cán bộ còn có kẽ hở; chưa có chế tài cụ thể và đủ mạnh để xử lý trách nhiệm cá nhân.

Từ những hạn chế yếu kém trên, báo cáo đã đưa ra một số bài học cần rút kinh nghiệm. Cụ thể như phải nhạy bén về chính trị; suy nghĩ phải chín chắn, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, phương pháp phải đúng, hành động phải quyết liệt; phải thực sự đổi mới, sáng tạo và coi đây là động lực quan trọng trong công tác và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao. Phải tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan, coi trọng và bám sát thực tiễn; tăng cường kiểm tra, giám sát, thường xuyên tổng kết rút kinh nghiệm. Biết phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, coi trọng vai trò của nhân dân, cơ quan thông tấn báo chí trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị...

“Trong công tác cán bộ phải thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình; quản lý cán bộ phải chặt chẽ. Cần phải có cơ chế, công cụ hữu hiệu để kiểm soát quyền lực, ngăn chặn việc lợi dụng quyền lực phục vụ lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm trong công tác tổ chức, công tác cán bộ và quản lý cán bộ” – ông Bình nêu rõ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn