MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Lê Thị Nguyệt phát biểu tại một phiên họp của Quốc hội. Ảnh: PV

“Tôi rất ít khi có một ngày nghỉ rảnh rỗi trọn vẹn”

XUÂN HẢI LDO | 09/03/2017 06:00
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Lê Thị Nguyệt chia sẻ như vậy với PV Báo Lao Động nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ 8.3. Bà Nguyệt cho hay: “Để hoàn thành công việc của cơ quan cũng như công việc chăm sóc gia đình chồng con, hằng ngày tôi thường dậy từ 5h sáng và chưa bao giờ đi ngủ trước 12h đêm cả”.

Thức dậy từ 5h sáng...

Dáng người nhỏ nhắn, bước chân nhanh nhẹn, nói chuyện rất nhẹ nhàng, hẹn mãi cuối cùng bà cũng dành ít thời gian để chia sẻ với tôi về công việc của một người phụ nữ đã ba khóa liên tiếp được cử tri tín nhiệm bầu làm Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc từ khóa XII, XIII và XIV và công việc chăm lo cho gia đình. Người phụ nữ đó là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Lê Thị Nguyệt.

Mặc dù đã gần 18h nhưng bà Nguyệt vẫn khá bận, bà cho hay: “Tôi vừa đi dự phiên họp trù bị của Đại hội Đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XII về. Chỉ vài phút nữa tôi lại có cuộc họp liên quan đến vấn đề lao động việc làm rồi”. Với giọng nói khá nhẹ nhàng, bà Nguyệt kể, từng làm việc khá nhiều năm trong lĩnh vực hội phụ nữ, gặp gỡ tiếp xúc, nói chuyện với rất nhiều hội viên, từ những hội viên nữ chân lấm tay bùn đến những hội viên là cán bộ nên bà hiểu khá rõ tâm tư, hoàn cảnh của phụ nữ để từ đó hướng dẫn, vận động họ làm thế nào bố trí hài hòa việc chăm sóc chồng con với công việc làm ăn buôn bán, nội trợ hay việc của cơ quan. Công việc cần khá nhiều thời gian để tham gia các phong trào, do vậy bà phải thường xuyên bố trí việc nhà và cơ quan một cách khoa học, đồng thời chia sẻ với chồng, con hiểu và thông cảm. “Người phụ nữ chúng tôi vẫn canh cánh trong lòng một điều rằng, phải làm thế nào để chuẩn bị cho chồng, con có cơm ngon, canh ngọt nhưng vẫn phải “giỏi việc nước, đảm việc nhà” - bà Nguyệt nói.

Từ khi được cử tri tín nhiệm bầu làm Đại biểu Quốc hội, công việc bận rộn hơn, luôn phải dành nhiều thời gian để tiếp xúc với cử tri, lắng nghe ý kiến từ cử tri. Bà chia sẻ, để hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng của cử tri, bà đã áp dụng nhiều góc độ để tiếp cận, chia sẻ như mỗi lần về quê bà thường tâm sự với người thân và bà con hàng xóm để lắng nghe. Khi về đến khu dân cư bà đang sinh sống, bà cũng dành thời gian để gặp gỡ, nói chuyện với người dân trong khu phố để lắng nghe ý kiến và thông qua họ nắm bắt được tâm tư nguyện vọng, cũng như tình hình kinh tế - xã hội tại địa phương để xem các chính sách của Nhà nước đến với người dân như thế nào, người ta phản ánh gì, những vấn đề gì đang vướng mắc, bức xúc qua đó với trách nhiệm của mình, bà sẽ bày tỏ nguyện vọng của cử tri đến với Quốc hội.

Ngoài ra, đối với công việc nghị trường, để tham gia đóng góp ý kiến vào các chính sách, dự án luật mới, bà phải thường xuyên nghiên cứu các loại văn bản, chính sách và tìm hiểu xem các nước khác họ từng áp dụng như thế nào, vướng mắc gì không, người dân tiếp nhận chính sách đó như thế nào...

“Để nắm bắt được tình hình kinh tế - xã hội trong và ngoài nước, tôi thường xuyên phải cập nhật thông tin, theo dõi qua chương trình thời sự của đài truyền hình, qua các kênh thông tin như báo, đài và luôn phải cập nhật. Đồng thời, để nắm rõ được tình hình kinh tế, chính trị, xã hội ở địa phương nơi mình ứng cử những lúc rảnh rỗi, tôi còn mở các chương trình phát thanh của địa phương để cập nhật thông tin, xem các chủ trương, chính sách được thực hiện như thế nào, nguyện vọng của bà con ra sao để khi đến tiếp xúc cử tri nắm bắt được và giải thích tuyên truyền cho bà con hiểu rõ hơn về các chính sách đó”.

... và chưa bao giờ đi ngủ trước 12h đêm

Bà Nguyệt kể tiếp, để có được nhiều thời gian cống hiến cho công việc trong lĩnh vực mình phụ trách là nhờ sự cảm thông rất nhiều của chồng bà, người thường xuyên chia sẻ, giúp đỡ tạo điều kiện cho bà yên tâm làm việc. “Chồng tôi thường bảo, anh ít khi thấy em có một ngày chủ nhật hay thứ bảy rảnh rỗi trọn vẹn cả” - bà Nguyệt nói và khẳng định: “Tôi rất ít khi có một ngày nghỉ rảnh rỗi trọn vẹn”. Bà Nguyệt tâm sự, để vừa lo được công việc nhà, chăm sóc chồng con được chu đáo, bà thường dạy từ 5h sáng và rất hiếm khi bà ngủ trước 12h đêm. Bà luôn phải sắp xếp thời gian công việc cơ quan và gia đình thật hài hòa. “Ngay từ khi con gái tôi còn nhỏ, tôi đã rèn cho con biết tự lập, nên khi tôi đi công tác một vài tuần thì cháu cũng biết sắp xếp và lo toan cùng bố việc gia đình” - bà Nguyệt tự hào nói.

Bà cho biết thêm: Tôi chưa bao giờ đi ngủ trước 12h đêm cả, khi đã xong hết công việc dọn dẹp nhà cửa và giải quyết các công việc cá nhân, tôi lại chuẩn bị nội dung cho công việc họp, làm việc của ngày hôm sau. Rồi sáng sớm hôm sau lại chuẩn bị bữa ăn sáng cho cả nhà, chuẩn bị cơm trưa cho con gái mang đến cơ quan. Và buổi tối cũng khá muộn, nếu tôi không phải đi công tác thì cả nhà tôi lại vui vẻ quây quần, sum vầy bên mâm cơm gia đình. “Ngoài việc chăm lo cho chồng con, tôi cũng phải tính toán, giải quyết hợp lý, hài hòa các mối quan hệ trong gia đình, anh em họ hàng nội ngoại mỗi khi có việc ốm đau, giỗ, tết để họ hàng không chê trách. Các cụ thường nói xấu chàng hổ ai” - bà Nguyệt vui vẻ nói.

Câu chuyện giữa tôi và bà Nguyệt đang khá vui vẻ thì bị ngắt quãng bởi tiếng chuông báo hiệu bắt đầu cuộc họp mới. Bà Nguyệt lại rảo bước vội vàng rồi khuất hẳn vào trong căn phòng họp ở 22 Hùng Vương - Văn phòng Quốc hội.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn