MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Đặng Thuần Phong. (Ảnh: Q.H)

“Tôi thấy lạ trước việc Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh bị đe dọa, gửi công văn “kêu” Thủ tướng”

Xuân Hải LDO | 16/03/2017 16:30
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong đã nói như vậy với phóng viên về việc Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh bị đe dọa, phải gửi văn bản "kêu" Thủ tướng, đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an vào cuộc điều tra.

Ngày 9.3.2017, UBND tỉnh Bắc Ninh có văn bản số 55/UBND-NN.TN do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hữu Thành ký gửi Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải về việc đề nghị tiếp tục tạm dừng triển khai thực hiện dự án nạo vét, khơi thông luồng đường thủy nội địa kết hợp tận thu sản phẩm trên sông Cầu. Đặc biệt, trong văn bản này, UBND tỉnh Bắc Ninh đề nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo với nội dung: “Chỉ đạo Bộ Công an vào cuộc điều tra nguyên nhân sự việc, điều tra các cá nhân từ Trung ương đến địa phương đứng sau bảo kê, đe dọa cán bộ chuyên môn, lãnh đạo Sở, ngành và Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh làm sự việc ngày càng trở nên nghiêm trọng”.

Dự án nạo vét duy tu luồng đường thủy nội địa quốc gia kết hợp với tận thu sản phẩm trên sông Cầu do Công ty Cổ phần trục vớt luồng Hạ Lưu thực hiện, được Cục đường thủy nội địa Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) phê duyệt. Tuy nhiên, thời gian qua, UBND tỉnh Bắc Ninh kiên quyết đề nghị dừng triển khai thực hiện dự án trên.

Trao đổi về vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong cho biết, ông rất ngạc nhiên khi đọc được thông tin này. “Tôi thấy lạ vì một Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo cả bộ máy, hệ thống chính trị, cả lực lượng vũ trang trong tay, thẩm quyền rất đầy đủ theo quy định của pháp luật thế mà lại đi kêu Thủ tướng”.

Ông Phong cũng cho rằng, chuyện hù dọa đó là chuyện nhỏ, vấn đề ở đây là nếu chính quyền cứ gặp chuyện gì cũng xin ý kiến Thủ tướng, chuyện gì cũng kêu cứu Thủ tướng thì còn ý nghĩa gì nữa? Trong khi ở địa bàn mình quản lý, nếu trường hợp nào làm không đúng thì với thẩm quyền của mình phải tự xử lý.

Theo ông Phong, để xử lý vi phạm trong việc hút cát, ban đầu ta có thể phạt hành chính, về sau nếu vẫn tái phạm ta có thể xử lý trách nhiệm hình sự.

Ông Phong cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, vấn đề ở đây là nhận diện cái "ngầm" của dòng sông này có "ngầm" bằng chuyện than thổ phỉ ngày xưa mà Quảng Ninh đương đầu không? Nhiều lãnh đạo Quảng Ninh trước kia từng bị “than thổ phỉ” dọa, nhưng người ta vẫn cương quyết xử lý và đã dẹp được. Hay như vụ được gọi là thế giới ngầm “Năm Cam” nhưng vẫn xử lý được. Vấn đề ở đây là anh phải mạnh dạn đấu tranh, đương đầu với việc người ta nạo vét lòng sông để tận thu không đúng với dự án phê duyệt ban đầu và phải xử lý nghiêm vi phạm.

“Công ty được giao thực hiện dự án nạo vét để khơi thông luồng lạch như đã phê duyệt nhưng không làm mà cứ lợi dụng dự án để khai thác cát bất kể địa điểm nào trên sông, điều đó không đúng dự án thì tỉnh phải xử lý theo đúng thẩm quyền. Còn khi phát hiện cá nhân, tổ chức nào bao che thì tỉnh gửi văn bản lên cấp trên, lên Chính phủ báo cáo. Ai bao che thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Chính phủ” -ông Phong nhấn mạnh.

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn