MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
ĐB Bùi Văn Phương (Ninh Bình)

“Trả thù, trù dập người tố cáo thực sự tinh vi đến tầm văn minh“

Xuân Hải LDO | 16/06/2017 18:00
ĐB Bùi Văn Phương (Ninh Bình) đã nói như vậy khi giơ biển tranh luận lại những ý kiến về vấn đề không giải quyết tố cáo nặc danh khi Quốc hội thảo luận, cho ý kiến vào dự án Luật Tố cáo (sửa đổi) chiều 16.6.

ĐB Bùi Văn Phương cho rằng, việc trù dập tố cáo là chuyện có thật, đã được nêu lên các diễn đàn. Cơ chế bảo vệ người tố cáo hiện nay không đi vào cuộc sống. Người tố cáo chắc họ không sợ cho bản thân nhưng lo liên lụy đến vợ, con, gia đình nên họ không dám đứng tên tố cáo.

“Trả thù, trù dập người tố cáo thực sự tinh vi đến tầm văn minh", ông Phương nói và kể câu chuyện theo ông là có thật mà chỉ có người trong cuộc mới biết - bị trả thù nhưng người tố cáo vẫn phải tươi cười mà trong lòng đầy đắng ngắt.

Ông Phương kể: Người đó không bằng lòng với lãnh đạo, được lãnh đạo gọi lên phòng và nhận xét: Cậu là người có tính chiến đấu rất tốt, còn trẻ, có năng lực, tới đây cậu phải cần được đưa đi đào tạo, học hành một cách chính quy, bài bản, chứ không học tại chức, để sau này lãnh đạo nghỉ sẽ là người kế cận. Người đó khăn gói lên đường đi học, dù trong suy nghĩ đã có sự nghi ngờ.

Ông Phương kể tiếp: Sau khi người đó đi học về, lãnh đạo cho rằng cậu cán bộ này được đào tạo lý luận đầy đủ, chuyên môn đầy đủ, giờ cần phải trở về thực tiễn để tiếp tục rèn luyện nên điều chuyển xuống một đơn vị khó khăn, sau đó bỏ mặc cho tự "bơi", thậm chí người lãnh đạo còn tạo "sóng" để "dìm" cho anh cán bộ trẻ "uống nhiều nước". Khi thấy anh cán bộ ngắc ngoải vì "uống nhiều nước", người lãnh đạo bắt đầu "kéo lên" bố trí công việc, coi như cứu giúp. Từ đó trở đi, người cán bộ trẻ này coi như thui chột, mặc dù trong lòng đắng ngắt nhưng miệng vẫn phải mỉm cười nói lời cảm ơn. Đây là câu chuyện có thực, mà sự trả thù tinh vi đến mức "văn minh".

Từ đó lý giải tại sao người tố cáo không dám đứng đơn khi tố cáo. Bởi đây là thực hiện quyền của công dân, mà kể cả trách nhiệm của công dân trong xây dựng nhà nước pháp quyền. Cần quy định để người dân tham gia các hình thức tố cáo thực hiện quyền của mình. Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật cũng chính là để góp phần xây dựng nhà nước trong sạch, vững mạnh. Chúng ta vin vào lý do nặc danh không xem xét thì không nên.

Cũng tranh luận về vấn đề đơn tố cáo nặc danh, ĐB Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) cho rằng, cơ chế bảo vệ người tố cáo của chúng ta chưa đầy đủ, dẫn đến người đứng ra tố cáo bị khủng bố, đe dọa bằng nhiều hình thức khác nhau. Chúng ta cũng biết, vừa qua, ngay cả Chủ tịch UBND tỉnh cũng phải kêu cứu lên Chính phủ. Trước việc các cá nhân bị uy hiếp nặc danh, cơ chế bảo vệ của chúng ta chưa đầy đủ, tâm lý người Việt chúng ta ngại va chạm, ngay cả trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng có những vấn đề liên quan đến đồng chí, đồng đội, người thân, đó là câu chuyện khó vượt qua trong tâm lý của người tố cáo.

"Cần phải tránh việc lạm dụng tố cáo, nhưng với mục tiêu cao nhất là trách nhiệm nhà nước đấu tranh chống các vi phạm pháp luật, vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tôi nghĩ, trong thời điểm hiện nay, chúng ta nên chấp nhận hình thức tố cáo nặc danh. Tuy nhiên cần phải có trình tự, thủ tục, cơ chế kiểm soát tránh việc lạm dụng" - ông Hồng nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn