MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) - Ảnh: Q.H

Trẻ em đánh nhau, bạo lực học đường để răn đe cần xử lý hình sự

Xuân Hải LDO | 24/05/2017 21:47
Ngày 24.5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13.

Hơn 67% ĐBQH tán thành với phương án 1

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Thị Nga cho biết: Về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi đối với Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134), Tội hiếp dâm (Điều 141) và Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 169). Do còn có ý kiến khác nhau, UBTVQH xin ý kiến Quốc hội 2 phương án.

Phương án 1: Giữ như quy định của BLHS năm 2015. BLHS năm 2015 đã quy định người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi ngoài việc phải chịu trách nhiệm hình sự về một số loại tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng thì còn phải chịu trách nhiệm hình sự cả về loại tội ít nghiêm trọng và tội nghiêm trọng đối với 3 tội danh: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, Tội hiếp dâm và Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản.

Còn Phương án 2: Giữ như dự thảo Luật do Chính phủ trình, theo đó người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về loại tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng mà không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng đối với 3 tội danh nêu trên.

Cho ý kiến về vấn đề này, ĐB Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) đã chỉ ra thời gian qua, tình trạng bạo lực học đường, hiếp dâm ở người chưa thành niên có xu hướng gia tăng. ĐB Nguyễn Thị Phúc nhấn mạnh:  Để luật vừa nghiêm minh, vừa giáo dục thì người đủ 14 đến 16 tuổi phải chịu trách nhiệm cả tội ít nghiêm trọng. Người từ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự để đảm bảo tính nghiêm minh vì thực tế thời gian qua tình trạng cố ý gây thương tích, bạo lực học đường, hiếp dâm, bắt cóc gia tăng mức độ nghiêm trọng. Pháp luật phải nghiêm, ông bà có câu "thương cho roi vọt, ghét cho ngọt cho bùi". 

"Qua thăm dò ý kiến của ĐBQH bằng phiếu cho thấy, có 266/397 tán thành, tức là hơn 67% đề nghị phải chịu trách nhiệm hình sự đối với 3 loại tội danh nêu trên. Do đó, chúng ta phải tôn trọng ý kiến của ĐBQH”.- ĐB Nguyễn Thị Phúc  nói.

Khi xem clip các em đánh nhau, tôi không thể xem được hết

Đồng quan điểm trên, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho biết, thực tiễn cho thấy, hiện nay trẻ em đánh nhau, bạo lực học đường đang gia tăng. Để răn đe, giáo dục thì cần xử lý hình sự. Nhưng để đảm bảo tương lai của các em và quyền trẻ em thì chỉ áp dụng hình phạt nhẹ hoặc các biện pháp tư pháp, các biện pháp hành chính giáo dục và thậm chí miễn áp dụng hình phạt. 

“Tôi là người rất cứng rắn nhưng khi tôi xem một số clip mà các em đánh nhau, các em xâm phạm, các em dùng ống tuýp đánh trẻ em nữ, xé quần áo, đón đường đập nhau, tôi không thể xem được hết. Nếu điều này các vị đưa ra quốc tế, các vị cho những người nước ngoài xem thì liệu người ta có đồng tình với các vị không xử lý các em không”- ông Nhưỡng nói. 

Ông Nhưỡng cũng cho rằng cách giáo dục thông qua biện pháp hình sự là biện pháp tốt nhất. Nhưng nếu chúng ta chỉ giáo dục đơn thuần thì không đủ sức để răn đe và phòng, chống tội phạm. “Ở đây không phải là bỏ tù các em để đại biểu nói đến câu chuyện chúng ta không có nhà tù, không đủ trại giam. Có ai nói là phải bỏ tù các em đâu. Chúng ta xử lý hình sự và áp dụng hình phạt là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau và tôi đề nghị phải hết sức cân nhắc điều này”. - Ông Nhưỡng nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn