MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng (Ảnh: Q.H)

“Trong 32 luật phải sửa, thực tế nhiều luật chỉ bỏ đi 2 chữ quy hoạch thôi”

Xuân Hải LDO | 18/03/2017 10:15
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nói như vậy tại phiên họp chiều 17.3, khi Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Quy hoạch.

Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho rằng, luật có đề cập đến việc tích hợp các loại quy hoạch chung, nhưng trên thực tiễn lâu nay làm đã có quy hoạch tổng thể có tích hợp rồi. Như vậy ý tưởng thì tốt nhưng chưa làm rõ cách tích hợp thế nào? Quy hoạch vào quy hoạch chung thì thế nào? Thời hạn là bao lâu? Tính tích hợp với điều hành kinh tế xã hội thế nào thì chưa rõ ràng. Như thế trên thực tiễn khó thực hiện. Và nếu theo quy định của luật này thì giải quyết vấn đề trên phải mất 7-8 năm.

Còn Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đặt vấn đề, luật dự kiến được thông qua tại kỳ họp thứ ba tới, và có hiệu lực từ 1.1.2019, nhưng vì luật này liên quan đến vấn đề quy hoạch của 32 luật khác. Vậy là đến tháng 6.2018 phải sửa và thông qua 32 luật, liệu có đảm bảo được không?

Thẩm tra Luật quy hoạch, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu vấn đề, ngay sau phiên họp thứ 1 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Ủy ban đã đề xuất với Ủy ban Pháp luật, Luật này thời gian có hiệu lực phải từ 1.1.2019 để sửa 32 luật khác. Trong đó có 4 luật khó khăn, còn 28 luật khác chỉ sửa lại câu chữ.

Giải trình thêm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: Đây là một cuộc cách mạng, thay đổi lớn, giải quyết những bất cập của đất nước từ trước đến nay như chồng chéo, cục bộ, lợi ích nhóm. Nhưng phải tiệm cận với quốc tế để tránh cát cứ cho nên có cái chưa đồng thuận. Do đó, Quốc hội cần phân minh và quyết định. Người Châu Á có tâm lý không muốn thay đổi, sáng tạo, khác với người phương Tây. “Kể cả phải sửa nhiều Luật nhưng nó tốt hơn thì vẫn phải làm” – ông Dũng nhấn mạnh và nói thêm: “Nghe số lượng sửa đến 32 luật thì rất nhiều nhưng trên thực tế nhiều Luật chỉ bỏ đi 2 chữ quy hoạch thôi. Rất đơn giản”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn