MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long. Ảnh: Q.H

Về quy định trao quyền cho VAMC được đấu giá nợ xấu: Nhiều Đại biểu Quốc hội băn khoăn

XUÂN HẢI LDO | 25/10/2016 09:14
Ngày 24.10, Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường dự án Luật Đấu giá tài sản. Tại buổi thảo luận nhiều đại biểu còn băn khoăn về quy định trao quyền cho Cty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đấu giá nợ xấu.

2 phương án cho đấu giá nợ xấu

Trình bày báo cáo tiếp thu, chỉnh lý, giải trình dự Luật Đấu giá tài sản, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, về việc đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm các khoản nợ xấu còn các loại ý kiến khác nhau. Do vậy, Ủy ban thường vụ (UBTVQH) đề xuất 2 phương án.

Phương án 1, quy định một số nguyên tắc về việc đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu được thực hiện theo trình tự, thủ tục phù hợp với tình hình thực tiễn xử lý nợ xấu nhưng vẫn phải đồng thời tuân thủ các nguyên tắc, quy định của Luật Đấu giá tài sản một cách công khai, minh bạch, chịu sự quản lý của cơ quan có thẩm quyền.

Tại khoản 9 Điều 4 của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp đã sử dụng cụm từ “tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng Việt Nam” để sử dụng cho Cty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).

Bảo đảm tính phổ quát, sử dụng cụm từ này để tiếp thu bổ sung Mục 3 (gồm 2 Điều) về đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ. Đồng thời, bổ sung tại một số điều, khoản quy định chung trong Luật như về đối tượng áp dụng, về tài sản đấu giá... “Dự thảo Luật Đấu giá tài sản hiện đang trình Quốc hội theo phương án 1”, ông Vũ Hồng Thanh cho biết.

Phương án 2, không quy định về việc đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu cũng như các quyền, nghĩa vụ liên quan đến đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu tại dự án Luật này để đảm bảo cơ chế thị trường và nguyên tắc đấu giá theo quy định của Luật này. Sau đó, sẽ đề nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định số 53/2013/NĐ-CP theo tinh thần của Luật này nhằm tránh các hệ lụy pháp lý về mặt tài chính sau khi xử lý nợ và đảm bảo tính phổ quát của Luật.

Lo giao quyền cho VAMC sẽ tạo sự không bình đẳng

Cho ý kiến về vấn đề này, các ĐB Trần Văn Minh (Quảng Ninh), cho rằng, quy định như dự thảo sẽ tạo hành lang pháp lý đủ mạnh, góp phần xử lý nợ xấu, bảo đảm khoản nợ xấu được nhanh chóng, hiệu quả và sớm lành mạnh hóa hoạt động hệ thống tín dụng và nền kinh tế.

Tuy nhiên, theo ĐB Trần Văn Minh, cần quy định rõ về hình thức hành nghề của đấu giá viên tại tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu tín dụng Việt Nam được tự đấu giá nợ xấu và tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu.

Trong khi đó, ĐB Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) nêu quan điểm, dự thảo Luật chỉ nên quy định về nguyên tắc đấu giá nợ xấu, tài sản đảm bảo nợ xấu, và giao Chính phủ quy định chi tiết về đấu giá nợ xấu.

Để bảm đảm tính độc lập, ĐB Thành nhấn mạnh, không nên để VAMC là tổ chức đấu giá trực tiếp nợ xấu. “Không nên để VAMC là tổ chức đấu giá nợ xấu, tài sản đảm bảo nợ xấu, mà nên một tổ chức độc lập thực hiện, như thế sẽ đảm bảo tính khách quan, độc lập”, vị ĐB tỉnh Lạng Sơn nói.

ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cũng không đồng tình nếu giao VAMC là tổ chức thực hiện đấu giá nợ xấu. Ông Cường phân tích, khi bán tài sản dù là nợ xấu thì cũng là tài sản của Nhà nước, nên phải thực hiện qua các tổ chức đấu giá.

“Nếu giao cho VAMC vừa quản lý tài sản nợ xấu, vừa bán nợ xấu thì không khác gì tạo ra sự không bình đẳng, các cơ quan khác không được bán VAMC lại được bán”, ĐB Hoàng Văn Cường nói và lo ngại khi Điều 53 của dự thảo luật quy định, quy trình bán đấu giá tài sản nợ xấu được thực hiện tự do.

Một điểm mới trong phiên thảo luận lần này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã trực tiếp giải trình các vấn đề được đại biểu Quốc hội góp ý, đề xuất tại phiên thảo luận, trong đó có nội dung về Đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu.

Bộ trưởng nêu rõ, cần phải xử lý nợ xấu, đấy là hiện tượng mang tính chất nhất thời của nền kinh tế cần phải được xử lý, Chính phủ đã có quy định tại Nghị định 53. Theo nghị định này, VAMC làm khá nhiều việc, trong đó có việc đã mua nợ xấu về rồi thì phải bán nó đi, trong bán có hình thức bán đấu giá và bán thì VAMC có thể ký hợp đồng với các tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp để bán hoặc là có thể tự mình bán.

Quan điểm của Bộ trưởng, về nguyên tắc có thể chấp nhận được phương án 1 thể hiện trong dự thảo Luật, nhưng cần làm rõ VAMC chỉ được bán tài sản là nợ xấu và tài khoản đảm bảo cho nợ xấu, đây không phải là tổ chức bán đấu giá hoạt động được như trung tâm dịch vụ bán đấu giá hoặc như các doanh nghiệp đấu giá khác. Đến thời điểm này VAMC chưa tự bán, chủ yếu ký hợp đồng với các tổ chức chuyên nghiệp để bán - Bộ trưởng cho biết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn