MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
GS-TS Đỗ Quang Hưng. Ảnh: XUÂN HẢI

Vi phạm đạo đức, lối sống - không xứng đáng nằm trong bộ máy công quyền

​XUÂN HẢI LDO | 07/03/2017 06:54
GS-TS Đỗ Quang Hưng - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận tổ quốc Việt Nam - đã nói như vậy với Lao Động về việc ông Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng của huyện Chợ Gạo (tỉnh Tiền Giang) có hành vi “chôm” hơn chục quả trứng vịt tại hội chợ của huyện này nhân dịp mừng xuân Đinh Dậu 2017 vừa qua.
GS-TS Hưng nhấn mạnh: Đây là việc làm không thể chấp nhận được của một người cán bộ, trong khi cả nước đang thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng đi vào cuộc sống.

- Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã nêu rõ một trong những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống cần được ngăn chặn, đẩy lùi trong cán bộ, đảng viên, đó là “Sa vào các tệ nạn xã hội, vi phạm thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, chuẩn mực đạo đức gia đình và xã hội; rượu chè bê tha...”. Đây là biểu hiện thuộc về vấn đề nhân cách, đạo đức công vụ của người cán bộ, đảng viên. Đối với một xã hội bình thường thì những vấn đề thuộc về nhân cách, đạo đức của cán bộ, đảng viên được coi là chuẩn mực tối thiểu phải có khi làm việc trong cơ quan công quyền, được trả lương bằng tiền thuế của dân. Do vậy, người cán bộ công quyền, đảng viên càng phải tiên phong, gương mẫu từ cách ăn mặc, giao tiếp với đồng nghiệp, với người dân để mọi người học tập.

Nghị quyết T.Ư 4 khóa XII đã chỉ rõ, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước... Những hạn chế, khuyết điểm này làm giảm sút vai trò lãnh đạo của Đảng; và suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

Vậy theo ông, để ngăn chặn, đẩy lùi việc người cán bộ, đảng viên “sa vào các tệ nạn xã hội, rượu chè bê tha...”, cần phải có giải pháp như thế nào?

- Tôi mong rằng Đảng phải quyết tâm hơn, phải dùng sức mạnh, biện pháp tổng hợp và phải xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm đạo đức, lối sống để lấy lại niềm tin của nhân dân. Đối với nhiều quốc gia khác người ta không phải đặt ra vấn đề ngăn chặn đẩy lùi suy thoái về đạo đức, lối sống của người cán bộ, đảng viên, vì khi đã là cán bộ công quyền thì phải nghiêm chỉnh với nhân dân, không ai phải bàn đến việc người công vụ đi ăn cắp từng quả trứng vịt bị xử lý thế nào. Nói đến việc này tôi rất buồn, vì đến bây giờ mà vẫn có trường hợp như vậy.

Còn vấn đề giải pháp ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về đạo đức, lối sống của cán bộ đảng viên, nói thì dễ nhưng làm mới khó, vì nó đã ăn quá sâu vào một bộ phận cán bộ rồi và chúng ta cũng buông lỏng rất lâu rồi. Tôi cho rằng để ngăn chặn, đẩy lùi có 3 khâu cơ bản. Đó là thấm nhuần nhận thức kết hợp với giáo dục. Thứ hai là phải tạo ra được chế tài đủ mạnh xử lý những người vi phạm. Thứ ba, khó hơn đó là thức tỉnh xã hội, toàn xã hội sống trong sự văn minh thì họ sẽ không chấp nhận, tự tẩy chay những cán bộ, đảng viên suy thoái, đây là biện pháp cuối cùng nhưng tôi cho rằng quan trọng nhất.

Như ông vừa nói, biện pháp để ngăn chặn nằm ở việc xử lý nghiêm. Mới đây, UBND TP.Hạ Long (Quảng Ninh) đã cách chức ông Phó Trưởng phòng Tư pháp, Trung tâm hành chính công do “gác chân lên bàn và có biểu hiện uống rượu giờ nghỉ trưa”. Ý kiến của ông về việc này như thế nào?

- Việc xử lý của UBND TP.Hạ Long (Quảng Ninh) đã tạo cho tôi một thông điệp, ấn tượng tốt. Xử lý nghiêm như vậy là rất đúng. Có ai đó đã đặt ra câu hỏi xử lý như vậy hơi quá tay? nhưng với tôi xử lý nghiêm sẽ đạt được mục tiêu lớn hơn, cần thiết hơn, đó là việc mọi người sẽ nghiêm túc thực hiện những quy định đã đề ra. Bởi vì chính việc chúng ta nể nang, nhân nhượng, thậm chí còn né tránh không xử lý cán bộ, nhân viên, đảng viên vi phạm nên việc vi phạm mới ngày càng tái diễn.

Quay trở lại việc ông vừa nói rất buồn và bức xúc về trường hợp ông Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng của huyện Chợ Gạo (tỉnh Tiền Giang) có hành vi “chôm” hơn chục quả trứng vịt tại hội chợ của huyện này nhân dịp mừng xuân Đinh Dậu 2017 vừa qua, được báo chí phản ánh mới đây. Quan điểm của ông về việc này như thế nào?

- Tôi cho rằng, một người bình thường đi ăn trộm trứng vịt như thế cũng đáng khiển trách và phải bị xử lý, nhưng nếu một người trong hệ thống công quyền, có chức vụ trưởng phòng mà ăn cắp thì càng phải xử lý nặng hơn so với người bình thường. Người bình thường, không chức quyền mà ăn cắp thì xã hội cũng lên án và pháp luật không cho phép làm việc đó. Nhưng anh là một người công chức thì hình ảnh đó ảnh hưởng đến cả hệ thống công quyền. Việc lấy trộm hơn chục quả trứng vịt của ông trưởng phòng đó đã chứng tỏ sự tha hóa về đạo đức, lối sống của ông này là không chấp nhận được. Một người cán bộ, đảng viên có chức, có quyền trong hệ thống công quyền, trước hết phải thực hiện “cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư” như Bác Hồ đã dạy.

Và tôi nhấn mạnh, hành vi ăn trộm không nằm trong đạo đức tối thiểu của con người. Thực sự khi nghe sự việc này cảm giác của tôi rất buồn. Đến năm 2017 rồi mà bộ máy công quyền của chúng ta vẫn phải xử lý một cán bộ đi ăn trộm trứng vịt như thế khiến tôi buồn lắm. Theo tôi, một người cán bộ như thế không xứng đáng nằm trong bộ máy công quyền.

- Xin cảm ơn ông!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn