MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga (Ảnh: Q.H)

Vụ “gạt tay trúng má phóng viên" được đưa ra phiên họp của Thường vụ Quốc hội

Xuân Hải LDO | 04/10/2016 11:43
Sáng 4.10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về báo cáo công tác giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân năm 2016 của Chính phủ, TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao.
Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đã nêu một vụ việc đang trở thành “tâm bão” của dư luận, đó là vụ xô xát xảy ra trên cầu Nhật Tân chiều 23.9 giữa các cán bộ cảnh sát hình sự Công an huyện Đông Anh và PV Quang Thế của báo Tuổi trẻ, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga nhấn mạnh quan điểm rằng, trong bất cứ vụ việc nào, không nên để từ cái nhỏ mà trở thành cái to, từ cái đơn giản lại biến thành sự việc phức tạp.
“Theo như thông tin trên báo chí, Công an Hà Nội đã kết luận vụ việc, cho rằng Thượng sĩ Ngô Quang Hưng – cảnh sát hình sự Công an huyện Đông Anh đã bị kỷ luật khiển trách vì “gạt tay trúng má phóng viên”, giơ chân đá nhưng không trúng PV. Còn một chiến sĩ khác có hành vi đập máy quay nhưng không gây hậu quả cụ thể nên bị kiểm điểm. Trong khi đó, PV Quang Thế của Báo Tuổi trẻ bị công an quận Tây Hồ ra quyết định xử phạt hành chính với mức tiền hơn 14 triệu đồng. Sự việc đã khiến dư luận vô cùng bức xúc nên việc xử lý như vừa qua cũng phải xem xét” – bà Nga nêu quan điểm.
Báo cáo với Chủ tịch Quốc hội về việc này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng câu trả lời của Công an Hà Nội đã gây ồn ào dư luận, không chỉ trong cộng đồng mạng mà khiến nhiều người dân đều bức xúc.
“Chúng tôi ủng hộ quan điểm, định hướng của Chính phủ. Đó là một sự việc đừng biến nhỏ thành to, đơn giản thành phức tạp. Nhiều ĐBQH cũng đã có quan điểm thẳng thắn về việc này, như sáng nay ĐB Nguyễn Sỹ Cương đã nói, chúng tôi rất ủng hộ” – bà Nga nói.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, để không gây ra sự hiểu lầm trong dư luận thì mọi việc phải xử lý nghiêm minh và công khai.

“Gây ra vụ việc phức tạp thế thì Bộ trưởng Bộ Công an, Chủ tịch Hà Nội, cả Ủy ban Quốc phòng – an ninh của Quốc hội cũng phải có ý kiến để xử lý nghiêm minh, công bằng, thuyết phục, xử sao cho cả người trong cuộc và ngoài cuộc tâm phục khẩu phục, để trấn an và tạo niềm tin cho dư luận” – bà Nga đề nghị và cho rằng, quan điểm là không bênh vực bên nào, nhưng phải xử lý công minh, đừng tạo điểm nóng và gây phản ứng trong dư luận.

 

Clip Phiên họp của Ủy ban TVQH.



Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn