MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Những nơi dễ bị chỉ trích vì chụp ảnh tự sướng

LDO | 05/03/2015 18:13
Khi ghé thăm những di tích lịch sử này, bạn nên cân nhắc cẩn thận trước khi chụp ảnh selfie dù không hề bị cấm hay bị phạt.

Trại tập trung Đức quốc xã Auschwitz, Ba Lan: Đây là trại lớn nhất trong các trại tập trung của Đức quốc xã. Hơn một triệu người Do Thái ở châu Âu đã bị giết hại dã man tại đây.

Đài tưởng niệm diệt chủng Berlin, Đức: Khu tưởng niệm gồm khu Đồng Bia (Field of Stelae) với khoảng 3.000 khối bê tông mang hình dạng những ngôi mộ trên diện tích 5ha. Đây là nơi tưởng nhớ một trong những giai đoạn đen tối nhất của lịch sử nhân loại, hàng triệu người Do Thái bị tàn sát vào thập niên 1930 - 1940.

Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl, Ukraina: Ngày 26/4/1986, lò phản ứng số 4 của nhà máy điện hạt nhân Chernobyl nổ tung, gây nên thảm họa nguyên tử tồi tệ nhất trong lịch sử nhân loại. Sau sự cố, lò phản ứng đã được bịt kín bằng 200 m3 bê tông. Anh chàng trong ảnh vô tư chụp và đăng sản phẩm selfie sau đó đã phải xin lỗi vì hành động thiếu suy nghĩ này.

Ground Zero, trung tâm thương mại quốc tế, New York, Mỹ: Đây là khu vực tưởng niệm những nạn nhân xấu số trong vụ tấn công tòa tháp đôi vào ngày 11/9/2001. Khoảng 3.000 người thiệt mạng trong vụ tấn công này. Liệu đây có nên là nơi cho các cặp đôi chụp selfie?

Biển hoa anh túc dưới chân tháp London: Ngày 11/11, hiệp ước đình chiến chấm dứt Chiến tranh thế giới thứ nhất được ký kết giữa đại diện hai phe đồng minh là Anh, Pháp, Mỹ và Đức. Hàng ngàn bông hoa anh túc đỏ thắm tượng trưng cho những binh sĩ trong khối liên hiệp Anh đã đổ máu hy sinh trong Thế chiến I được trồng dưới chân tháp London. Vào ngày này năm ngoái, gần 4 triệu người đến đây tưởng niệm, trong đó có cả các thanh niên nhí nhảnh chụp ảnh selfie.

Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Anh David Cameron bị chỉ trích vì chụp selfie cùng Thủ tướng Đan Mạch Helle Thorning-Schmidt tại lễ tang Tổng thống Nelson Mandela cuối năm 2013.

Đài tưởng niệm Iwo Jima: Trận đánh Iwo Jima diễn ra từ 19/2 - 26/3/1945 là trận đánh giữa Mỹ và Nhật Bản tại đảo Iwo Jima trong Thế chiến 2. Đây là một trong những trận đánh ác liệt nhất của chiến trường Thái Bình Dương. Quân Mỹ cuối cùng chiếm được Iwo Jima với thương vong khủng khiếp của cả hai bên tham chiến. Đài tưởng niệm những mất mát đau thương hoàn toàn không thích hợp để chụp selfie với nụ cười như thế này.

Nhà của Anne Frank, Amsterdam, Hà Lan: Câu chuyện về cuộc đời cô bé Anne Frank đã trở thành một trong những giai thoại nổi tiếng nhất về một người Do Thái ẩn náu quân Đức quốc xã. Cuốn nhật ký của Anne, được khai bút vào năm 1942 khi cô 13 tuổi, là cuốn sách tiếng của Hà Lan được dịch nhiều nhất ở mọi thời đại. Năm 1944, hai gia đình ẩn náu này bị phát hiện và đưa đến trại tập trung. Chỉ có bố của Anne thoát chết và ông đã cho xuất bản cuốn nhật ký của con gái út để cảnh ngộ khốn cùng của họ không bao giờ bị lãng quên. Khoảng 107.000 người Do Thái ở Hà Lan bị lưu đày trong cuộc thảm sát và chưa đến 5% trong số đó trở về. Ngôi nhà Anna Frank hiện còn ngổn ngang những chứng tích đau thương của chiến tranh.

Hỏa hoạn tại cầu tàu Eastbourne, Anh: Vụ hỏa hoạn xảy ra vào 3h30 sáng 30/7/2014, bắt nguồn từ đám cháy nhỏ tại một trung tâm giải trí. Ngọn lửa đã lan rất nhanh và mau chóng thiêu rụi cầu tàu Eastbourne, di tích lịch sử 144 năm tuổi nổi tiếng tại địa phương. Bức ảnh mặc bikini, cầm chai rượu, miệng tươi cười của cô gái trẻ Louisa Foley ngay trước đám cháy khiến cư dân tại thị trấn ven biển Eastbourne phẫn nộ.

Theo News Zing

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn