MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhân viên chiếu bóng lưu động tỉnh Bắc Kạn vất vả khi về thôn bản công tác, nhưng họ luôn được CĐ Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng tỉnh quan tâm. Ảnh: T.L

Không để người lao động thiệt thòi

XUÂN TRƯỜNG ghi LDO | 13/10/2015 08:58
Để góp phần chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần cho bà con vùng 135 trong tỉnh, Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng (TTPHPCB) tỉnh Bắc Kạn xác định đây là địa bàn chính để phục vụ. Như vậy, nhân viên các tổ chiếu bóng lưu động (hai người phụ trách một huyện) phải chịu nhiều vất vả, bởi địa bàn xa trung tâm huyện, đường đồi núi quanh co, vận chuyển máy nổ, máy chiếu phim khó khăn và thường phải ăn, ở, sinh hoạt trong nhà dân khá bất tiện.

Không để người lao động thiệt thòi

“Chia sẻ tâm tư, sâu sát hoàn cảnh, công việc hằng ngày của các nhân viên chiếu bóng lưu động, với tư cách Chủ tịch CĐ TTPHPCB, tôi luôn trăn trở về những vất vả trong thực hiện nhiệm vụ của họ nên không ngại khó khăn để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng mà họ xứng đáng được hưởng” - bà Ôn Thị Chuyên - Chủ tịch CĐ TTPHPCB tỉnh Bắc Kạn - mở đầu câu chuyện. Bà Chuyên chia sẻ: “Tôi xác định, CĐ TTPHPCB phải có trách nhiệm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho anh chị em, trong đó việc quan trọng nhất là phải đảm bảo được quyền lợi mà anh chị em xứng đáng được hưởng. Mới đây, tôi bàn với lãnh đạo TTPHPCB đề nghị các cấp có thẩm quyền tiếp tục xem xét cho cán bộ, viên chức của trung tâm công tác tại vùng đặc biệt khó khăn từ 5 năm trở lên được hưởng phụ cấp công tác lâu năm theo Nghị định 116/2010. Đã chịu vất vả và gian khó, anh chị em phải được hưởng đầy đủ chính sách của Nhà nước. Đây là tư tưởng xuyên suốt của chúng tôi”.

Trong các năm 2011-2014, TTPHPCB có 24 người nhưng có đến 17 người (phiên thành 8 đội) đi chiếu bóng lưu động ở địa bàn thôn, bản các huyện. Đường đến các thôn bản nhiều đoạn cua tay áo, khúc khuỷu, phải dùng những loại xe máy khỏe mới đi được. Với thu nhập bình quân khoảng 3,2 triệu đồng/tháng, lại thường xuyên ăn nghỉ xa nhà, tiêu tằn tiện cũng chỉ đủ cho bản thân, không giúp gì được cho vợ con. Có hôm mưa gió, anh em còn phải thuê ngựa dân bản ra thồ (giá khoảng 150.000 đồng cho đoạn đường 3km)... Bởi vậy, để các nhân viên chiếu bóng lưu động của TTPHPCB được hưởng chính sách theo Nghị định 116, tôi bàn và thống nhất với lãnh đạo TTPHPCB thường xuyên làm việc với các phòng, ban của các sở, ngành liên quan, tham vấn và tranh thủ tiếng nói ủng hộ của LĐLĐ tỉnh. Kết quả, UBND tỉnh giải quyết vụ việc một cách thấu tình, đạt lý với quyết định các nhân viên chiếu bóng lưu động của TTPHPCB được hưởng chính sách theo Nghị định số 116 của Chính phủ. Việc này giúp anh chị em trong đơn vị thêm yên tâm công tác.

Chăm lo cả vật chất lẫn tinh thần

Hằng năm, tôi cũng chỉ đạo Ban Chấp hành CĐ TTPHPCB phối hợp chuyên môn tổ chức lấy ý kiến xây dựng quy chế dân chủ tại cơ sở; quy chế làm việc; quy chế nâng lương trước thời hạn cũng như quy chế chi tiêu nội bộ, nhằm tiết kiệm chi thường xuyên để có nguồn tăng thêm thu nhập cho NLĐ. Những NLĐ trong môi trường độc hại đều được hưởng chế độ bồi dưỡng theo quy định. Các cán bộ làm hợp đồng đều được TTPHPCB làm thủ tục đóng BHXH, BHYT, BHTN.

Trong 9 tháng đầu năm 2015, tôi đề nghị nâng lương cho 9 trường hợp. Tôi cũng thống nhất với lãnh đạo TTPHPCB hằng năm tặng quà cho con cán bộ, nhân viên, NLĐ trong TTPHPCB đạt học sinh giỏi và các con trong độ tuổi thiếu niên, nhi đồng nhân các ngày Quốc tế Thiếu nhi, Tết Trung thu. Trong điều kiện kinh phí eo hẹp, tháng 7 vừa qua, tôi chỉ đạo Ban Chấp hành CĐ TTPHPCB phối hợp với lãnh đạo TTPHPCB tổ chức tham quan tại tỉnh Quảng Trị bằng nguồn kinh phí tự đóng góp, nhưng ai cũng tự nguyện, vui vẻ. Không ngại khó, đảm bảo công bằng để mọi người trong TTPHPCB yên tâm làm việc luôn là phương châm làm việc của tôi.

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn