MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công nhân lao động mong muốn được tăng lương để đảm bảo cuộc sống. Ảnh: T.H

Thúc đẩy thương lượng để công nhân có thu nhập cao hơn

Thư Hân LDO | 21/06/2022 12:30
Tiền lương tối thiểu vùng là mức thấp nhất trả cho người lao động (NLĐ) làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường. Nếu doanh nghiệp (DN) không tuân thủ, trả lương thấp hơn mức quy định sẽ bị xử lý. Từ việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng tới đây, các chuyên gia cho rằng cần thương lượng, thoả thuận để được chế độ tốt hơn, thu nhập cao hơn cho NLĐ.

Mong muốn tăng lương là hợp lý

Bà Trần Kim Chi - Chủ tịch CĐCS Công ty Newwing (Bắc Giang) - cho biết, hiện nay công ty đang trả lương cho công nhân cao hơn so với mức lương tối thiểu vùng. Cụ thể, công ty đang “đứng chân” trên địa bàn áp dụng lương tối thiểu vùng III là (3.430.000 đồng/người/tháng), nhưng hiện công ty đã trả cho công nhân cao hơn cả lương tối thiểu vùng II (3.920.000 đồng/người/tháng).

Chính vì vậy, theo chủ tịch công đoàn cơ sở này, hiện chưa thể biết được công ty có tăng lương trong thời gian sắp tới hay không. “Công đoàn cơ sở sẽ có ý kiến đến lãnh đạo DN để họ cân nhắc, tham khảo. Lãnh đạo công ty sẽ căn cứ vào tình hình lương công ty đang trả thực tế cho công nhân, tình hình sản xuất kinh doanh để quyết định. Công ty trả lương cạnh tranh cho công nhân, nên chắc chắn lãnh đạo công ty sẽ xem xét thực tế để có động thái tiếp theo” - bà Trần Kim Chi nói. 

Ông Nguyễn Văn Chí - Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Crystal Martin (Bắc Giang) - cho biết, hiện công ty cũng đã trả lương cho công nhân cao hơn mức lương tối thiểu vùng đang áp dụng cũng như mức mới sẽ áp dụng từ 1.7.2022. “Hiện tại công ty trả lương cơ bản cho công nhân mới là 4,6 triệu đồng/người/tháng (trong khi đó lương tối thiểu tại địa phương đặt công ty là vùng 3 (3.430.000 đồng/người/tháng). Công nhân có thâm niên, có kỹ năng tay nghề cao còn có mức lương cao hơn” - ông Chí nói.

Ông Chí cho rằng, 2 năm qua, do tác động của dịch COVID-19, hầu như các doanh nghiệp không tăng lương. “Vì vậy, sinh hoạt trong cuộc sống hằng ngày còn đang gặp nhiều khó khăn. Mong muốn chung của NLĐ là tiếp tục được tăng lương để cải thiện cuộc sống, nhất là trong năm nay, tình hình lạm phát tăng cao, giá xăng dầu tăng ảnh hưởng rất lớn đến đời sống họ” - ông Chí chia sẻ.

Chủ tịch công đoàn cơ sở này cho rằng, những DN nào có chế độ tốt vẫn sẽ tăng lương cho NLĐ. DN gặp khó khăn có thể sẽ không tăng lương vì đã trả lương cao hơn mức lương tối thiểu, không vi phạm pháp luật. “Dựa trên cơ sở tăng lương tối thiểu vùng, mong muốn của NLĐ trong thời gian sắp tới được DN tăng lương là hợp lý” - ông Chí bày tỏ quan điểm. 

Khuyến khích thương lượng để NLĐ có chế độ tốt hơn

Ông Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng, lương tối thiểu vùng được điều chỉnh thêm 6% đáp ứng phần nào nguyện vọng của NLĐ và có sự chia sẻ với DN. Việc điều chỉnh này có ý nghĩa khi tiền lương, thu nhập thực tại của họ phải tăng lên.

Các bên đã thoả thuận, thống nhất và Chính phủ đã ban hành nghị định điều chỉnh lương tối thiểu vùng từ 1.7. Chuyên gia này cho rằng khâu quan trọng tiếp theo là triển khai, thực hiện. “Chủ sử dụng lao động, NLĐ và các bên liên quan phải bảo đảm được mức lương tối thiểu vùng và có thương lượng làm sao để quy định được những khoản thu nhập có lợi hơn cho NLĐ, để thúc đẩy sự phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh của DN” - ông Lợi nói.

DN nên coi rằng hỗ trợ tăng thêm lương cho NLĐ cũng có lợi cho đơn vị. Bởi vì, NLĐ là động lực quan trọng, cơ bản, quyết định phát triển DN. Cho nên, thu nhập tăng lên sẽ giúp NLĐ đảm bảo đời sống, tiếp tục đào tạo nâng cao tay nghề để cải tiến tổ chức kỹ thuật, an toàn vệ sinh lao động. Từ đó, họ sẽ tham gia sản xuất, cải thiện năng suất lao động.

Theo nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Nhà nước sẽ thực hiện việc kiểm tra, thanh tra, giám sát việc điều chỉnh lương tối thiểu trong DN và khuyến khích NLĐ chấp hành tốt quy định của DN. Từ đó, đảm bảo xây dựng mối quan hệ hài hoà, ổn định, tiến bộ.

Phía Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Tổng LĐLĐVN với tư cách đại diện cho chủ sử dụng lao động và đại diện cho NLĐ phải tăng cường động viên khích lệ, kiểm tra giám sát, thúc đẩy cho việc thực hiện đúng pháp luật và tổ chức được nhiều cuộc thương lượng, thoả thuận có lợi tốt hơn cho NLĐ và các khoản bổ sung khác.

“Vai trò của tổ chức Công đoàn rất quan trọng. Cần chỉ đạo hướng dẫn công đoàn cơ sở phải vươn lên, nâng cao năng lực, trình độ tiến hành cuộc thương lượng, thoả thuận để đảm bảo các thoả ước lao động tập thể và hợp đồng lao động có lợi hơn theo pháp luật của nhà nước” - ông Lợi nhấn mạnh.

Mới đây, Bộ LĐTBXH và Tổng LĐLĐVN ban hành công văn chỉ đạo triển khai Nghị định số 38/2022/NĐ-CP về lương tối thiểu, theo đó, đề nghị Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo Sở LĐTBXH phối hợp với Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, các Liên đoàn lao động, tổ chức đại diện người sử dụng lao động tại địa phương và các ban, ngành liên quan triển khai thực hiện tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người sử dụng lao động và người lao động trên địa bàn triển khai thực hiện Nghị định số 38/2022/NĐ-CP đúng quy định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn