MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Anh hàng bánh cuốn

MINH THI LDO | 06/07/2018 06:36
Mọi hôm, anh vui vẻ, một tay thoăn thoắt tráng bột, tay kia cắt bánh, miệng đon đả chào khách, không quên khuyến mãi vài câu chuyện tiếu lâm. Nhưng hôm nay anh ngồi rũ ra, vẻ mặt lo lắng.

“Sáng sớm dạo Facebook một vòng, bỗng hoang mang không biết tương lai con cái mình sẽ ra sao. Chúng nó khổ hơn mình chị ạ”.

Nhìn vẻ mặt anh, tôi nhớ lại cách đây mấy hôm, anh từng sung sướng báo tin vợ mới sinh một bé trai kháu khỉnh. “Nhà tôi muốn sinh hai đứa thôi, còn để tiền lo cho chúng ăn học, còn tôi thì muốn càng nhiều con càng tốt.

Đấy, cha mẹ mình sinh lắm con thế, mà đến khi cần, trong nhà có thấy đứa nào đâu. Mà lo gì chuyện học. Mình đây có học mấy đâu cũng lo được cho con cái, cũng có cái nghề. Con cái sinh ra có số cả. Và cũng còn tùy duyên với bố mẹ nữa. Người may thì được nhờ cậy con, người không may thì có cả đàn con thành đạt đi chăng nữa có khi về già chẳng còn đứa nào bên cạnh vì chúng đi Tây sạch…” - anh hồn nhiên liến thoắng.

Vợ anh, một người đàn bà đẻ con sòn sòn, lúc nào ra quán cũng lại thấy bụng bầu vượt mặt, than thở: “Anh ấy nói thế, chứ là họa sĩ mà phải gác cọ kiếm cơm cũng nhớ nghề lắm. Ngày trước, anh từng trúng hợp đồng vẽ chân dung bên Đức, nhưng vì mải lo làm đám cưới với em mà đơn hàng bị trễ, phải bồi thường, rồi người ta quay sang đặt hàng bên Singapore. Làm giảng viên Đại học Văn hóa Hà Nội, rồi Học viện Nghệ thuật Quốc gia, giờ ai ngờ lại thành chủ hàng bánh cuốn, bún thịt bình dân ở tận trong Nam này”. Mắt chị nhìn xa xăm, hẳn hồi tưởng đến những bức tranh mơ màng về sen, về các nhân vật phục hưng ấn tượng anh từng vẽ treo đầy trong nhà.

Nhưng cái quán này khá đông khách, vì cách đổ bánh “không giống ai” của anh. Dậy từ sáng sớm tinh mơ, mang gạo đã ngâm đi xay thành bột, sau đó về làm nhân bánh. Gạo anh chọn loại ngon, nên bánh cuốn dai và mỏng dính; nhân bánh thơm phức; còn món bún phải đi kèm thịt tươi nướng xâu bằng than. Đến nước chấm cũng phải luôn nóng hổi. Nhìn bàn tay đổ bánh thành thạo của anh, khó tưởng tượng ra bàn tay ấy từng vẽ chân dung điêu luyện.

“Nói chứ tôi thèm vẽ trở lại, đã vẽ là vẽ thâu đêm, mê mẩn không dứt ra được. Nhưng phải đợi khi con cái lớn chút, chứ giờ vừa mở quán, vừa chăm hai đứa lớn, tối về mệt nhoài chỉ muốn được chợp mắt tí thôi. Lỡ cao hứng mà con khóc, khách gọi, thì biết làm thế nào? Thôi thì thà xếp cọ cho yên”. Anh kể mãi không ngưng, giọng luyến tiếc.

Nhìn gương mặt đăm chiêu của anh hôm nay, có gì như thảng thốt, mọi vẻ hớn hở, lạc quan thường ngày đều biến sạch, tôi lại thấy lo cho chính những hy vọng khéo trở nên ảo vọng của chính mình...

Gợi ý dành cho bạn