MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tranh: Lê Thiết Cương

Cái giếng nhà bà Sửu

KHƯƠNG QUỲNH LDO | 21/09/2018 07:03
Dạo này, chiều nào cũng thấy bà Sửu đi lối tắt qua vườn sang nhà tôi gánh nước. Tôi hỏi mẹ còn giận bà Sửu chuyện cái giếng không? Mẹ lắc đầu, thở dài: “Giận gì. Giờ mẹ lại cứ thương thương bà ấy”.

Bà Sửu là người đàn bà nhiều chồng nhất ở xóm tôi. Bà có bốn đứa con gái, nhưng cả bốn đứa đều không chung cha. Lúc đi kinh tế mới vào Nam, một mình bà dắt theo hai đứa nhỏ, chúng léo nhéo tranh nhau khoe bố “bố mày thế này, bố tao thế kia”.

Bà Sửu được phân cho một miếng đất ở cạnh nhà tôi để khai hoang.

Bà to khỏe, ngày nào cũng vác rựa đi phát nương, làm quần quật chẳng thua gì sức vóc đàn ông. Hai đứa nhỏ tự trông nhau trong lều, mặt đứa nào cũng lem luốc, mũi dãi thò lò, có lúc bắt cả bọ hung để chơi.

Sau, có một người đàn ông đứng tuổi thường xuyên tới giúp bà làm cái nọ cái kia, ăn ở với 3 mẹ con. Đến khi bà sinh cho ông một đứa con gái thì ông bỏ đi. Ông thú thật vì muốn kiếm đứa con trai nối dõi nên đến với bà. Ai ngờ lại “vịt giời”, chẳng khác nào “tam nương đọa” mà bà vợ của ông ngoài quê thì cũng đã làm cho ông hai “cậu dái trong” rồi!

Bố cô con gái út là ông Tứ nhà ở giữa xóm, nổi tiếng giàu có. Chẳng hiểu sao biết ông có gia đình rồi mà bà Sửu vẫn qua lại với ông như vợ chồng. Từ ngày đến với ông Tứ, nhà bà Sửu sắm được cái nọ cái kia. Khi cả xóm vài ba nhà phải đào chung một cái giếng để lấy nước dùng thì ông Tứ đào hẳn cho nhà bà Sửu một cái giếng sâu đến hai chục mét. Nước giếng lúc nào cũng lưng lửng, trong vắt. Có năm hạn hán nặng. Giếng nhiều nhà cạn khô, phải sang nhà bà Sửu xin nước. Được vài bữa đã thấy bà Sửu chặt tre làm hàng rào, không cho ai qua gánh nước nữa. Tôi nhớ mẹ giận lắm, chống mạnh đòn gánh xuống đất, chửi vu vơ.

Người duy nhất dám phá hàng rào nhà bà Sửu là vợ ông Tứ. Bà chém lia lịa vào hàng rào, vừa chém chửi: “Tiên sư cái loại đàn bà chuyên đi cướp chồng”. Bà Sửu ngồi im trong nhà, chẳng cãi lại một câu, nước mắt lăn dài. Vợ ông Tứ về, bà lau nước mắt, đi kiếm tre sửa lại hàng rào bình tĩnh như không có chuyện gì xảy ra. Sau đợt ấy, nhà bà Sửu lúc nào cũng đóng cổng im ỉm, ông Tứ thấy vậy không đến nữa.

Bốn cô con gái của bà lủi thủi lớn lên như trứng gà trứng vịt. Đứa nào cũng phải nghỉ học, đi làm sớm. Đến tuổi dựng vợ gả chồng, một mình bà đứng ra lo cho các con. Tới lượt bé út, nó nằng nặc đòi bố Tứ phải đến làm chủ hôn. Bà Sửu tức giận nạt nó: “Bố ba cái gì. Tụi mày cưới thì cưới, không cưới thì dẹp”.

Dạo này, người làng đồn ông Tứ bị ung thư giai đoạn cuối, nằm một chỗ. Bà Sửu thì sống lặng lẽ như cái bóng sau khi đưa các con về nhà chồng. Một hôm, bà qua nhà tôi xin gánh nước, bảo cái giếng bên nhà tự dưng trơ đáy. Gánh có gánh nước mà bà ngồi nói chuyện với mẹ cả tiếng đồng hồ. Bà thương ông Tú. Nhưng đến tuổi này, vợ ông vẫn không chấp nhận để bà tới chăm sóc ông những ngày cuối đời cho trọn nghĩa vợ chồng. Dù là vợ chồng hờ.

Hôm trước, mẹ tôi sang vườn bà Sửu xin nhánh gừng về kho cá. Đi ngang giếng, thấy giếng nhà bà vẫn đầy nước, trong veo. Nhưng mẹ giả vờ như không biết để mấy hôm sau bà lại qua nhà.

Chiều nay, hai mẹ con tôi ngẩn ngơ đứng nhìn cái nắng chiều chênh chếch như làm chiếc đòn gánh trên vai bà Sửu thêm nghiêng ngả. Chiều tắt thật nhanh, vừa rớt trên vai người đàn bà đã bị nhuộm thành bóng tối.

Gợi ý dành cho bạn