MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cáng nạn nhân bão số 12 đi cấp cứu ở huyện Nam Trà My, Quảng Nam.

Cáng võng tre

THANH HẢI LDO | 12/03/2018 06:30

Chiếc xe cấp cứu cua gấp qua ngã tư, lao nhanh về phía bệnh viện, hai bánh phía bên kia gần như nhớm lên khỏi mặt đường. Tiếng còi hụ liên hồi. Ánh đèn xanh đỏ xoay tít trong đêm vắng như một uy lực cưỡng bức thiên hạ phải nhường đường.

Hai cậu thí sinh đang ngồi trên vỉa hè cũng tự đổ rạp ra phía sau. Khiếp đảm. Đó là hai đứa học trò ở quê vừa ra phố chuẩn bị thi đại học. Một đứa thốt lên, cấp cứu ở thành phố sao ghê quá. Thằng còn lại vẫn bó gối, đưa mắt nhìn theo chiếc xe khuất dần ở cuối đường. Lặng thinh một hồi rồi nó phán, có chi đâu mà ghê mi. Cảnh cấp cứu ở quê mình mới khiếp sợ hơn nhiều. Nhớ cái đêm mẹ tau sinh thằng út.

Bà bị tai biến khi chuyển dạ. Lúc đó, trời chuyển giông, mưa gió, sấm chớp đì đùng. Cha tau thắp đuốc chạy qua xóm Đông, kêu cứu để nhờ người cáng võng đưa ra trạm xá xã. Tau chạy theo đoàn người cáng mẹ qua đồng ruộng, ánh đuốc lập lòe trong bóng đêm, trộn với tiếng la làng của mấy dì hàng xóm, bi thương hơn nhiều…

Chuyện thằng bé kể như kéo tôi về lại miền quê của mình thuở nào. Đường liên thôn chỉ toàn là bờ ruộng. Ở xứ núi không điện, không trạm xá. Cấp cứu người thì toàn khiêng võng, vừa chạy vừa la làng cứu con, cứu vợ, cứu người thân tôi với làng nước ơi!

Cứ ngỡ hình ảnh về chốn quê nghèo của tôi chỉ còn trong trí nhớ, nhưng không ngờ đến hôm nay còn gặp lại. Đoàn người chân thấp chân cao, lội ngược đường lầy để cáng võng, đưa nạn nhân bão số 12 đi cấp cứu ở huyện Nam Trà My, Quảng Nam. Những chiếc cáng tạm bằng sào tre, buộc 2 đầu võng vải dù, bỏ người bị nạn vào trong rồi khiêng chạy trầy trật trên con đường trơn trợt. Dù bão lũ đã qua đi cả tuần rồi, song nhiều chiếc cáng như vậy vẫn còn đong đưa, khiêng người vượt núi để về xuôi.

Ngồi thừ người ra tại ngã ba rẽ vào xã Trà Vân, Hồ Văn Ngọ - người đàn ông Xê Đăng vừa bị mất cả vợ lẫn con - buồn khôn muốn bắt chuyện. Khi biết chúng tôi mang tiền lên cứu trợ, giúp dân dựng lại nhà sau hoạn nạn, hỏi đúng tên mình thì Ngọ mới chia sẻ. Trưa hôm ấy, tôi đang ngồi uống nước chè nhà hàng xóm thì nghe tiếng nổ lớn. Trời như sập xuống, lũ ống từ thượng nguồn kéo về bất chợt đã gây sạt núi, vùi lấp toàn bộ ngôi làng . Trong đống bùn lầy chất ngất ấy, có cả vợ và 2 con nhỏ của tôi. Nhờ đông người đào bới, nên đến sập tối thì tôi may mắn tìm được cả 3 mẹ con nó. Đêm tối đen, đường tắt nên chỉ còn cách bỏ tất cả họ vào võng rồi nhờ dân làng khiêng chạy ra trung tâm y tế huyện để cấp cứu. Chỉ vào chỗ gò đất đang ngồi, Ngọ gạt nước mắt kể tiếp. Đến ngã ba này, chúng tôi dừng lại nghỉ thì phát hiện đứa nhỏ - Hồ Thị Mộng Lan, 2 tháng tuổi - không còn thở nữa. Biết vậy, nhưng không thể để cháu lại giữa rừng đêm một mình, nên mọi người tiếp tục võng cháu theo cùng mẹ. Đến trung tâm huyện thì mẹ nó cũng tắt thở. Đứa con đầu - Hồ Thị Chi Nhược - bị dập não, nhưng may mắn đã sống sót khi nhờ được xe cấp cứu ở huyện, kịp đưa xuống Đà Nẵng.

Hình ảnh chiếc xe cấp cứu lao đi trong đêm vắng, quét đèn như đe nẹt, dành quyền ưu tiên thật đáng sợ đối với người đi đường, nhưng những chiếc võng cáng bằng tre, người khiêng bộ chạy trong hoang mang đêm tối ở chốn quê heo hút này mới thật sự khủng khiếp. Nó có thể ám ảnh mãi trong ký ức của cha con anh Ngọ và bé Chi Nhược. Nếu như không tắc đường, nếu như xe cấp cứu vào được tận nơi, có thể nhiều người như vợ con của Ngọ đã được cứu sống sau cơn bão tàn khốc. Nhưng rồi tôi lại tự an ủi, cáng võng tre ít ra cũng còn cứu được bé Chi Nhược.

Gợi ý dành cho bạn