MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cánh cò đơn độc

NGUYỄN THÙY LDO | 02/11/2018 09:31
Giữa đêm tháng 10 mưa trút nước, đang mơ mơ chợt má lay: “Ông Sáu đi rồi”. Tôi bật dậy chạy theo qua ngôi nhà đối diện đã sáng đèn từ bao giờ. Không ai quá bất ngờ trước tin ông Sáu mất. Ở tuổi 95, hơn mười năm nay ông chỉ nằm một chỗ, không còn minh mẫn. Mọi người đều đã chuẩn bị cho một ngày ông ra đi nhẹ nhõm.

Vậy mà đêm ấy, khi sờ vào cánh tay lạnh ngắt của ông, bà Sáu ngước nhìn tôi mếu máo: “Ông đi mà không ai biết cả, bà tưởng ông lạnh nên dậy đắp thêm chăn. Ai dè ông đi mất rồi”. Tôi đã đứng rất lâu bên người phụ nữ 70 tuổi khóc thương chồng sau bao năm tháng bà nhận lấy đắng cay nhiều hơn ngọt bùi.

Hơn mười năm ông Sáu nằm liệt, người chúng tôi thương nhất là bà. Người ta mong ông đi sớm để thoát cảnh bệnh tật dày vò, phần khác là vì cảm thương cho người vợ suốt cuộc đời cơ cực của ông.

Cô công nhân quê lúa Thái Bình, từ bé đã mồ côi cha mẹ. Tuổi vừa thanh xuân thì gặp ông - một anh lính miền Trung tập kết rồi nên duyên chồng vợ. Ước mong thao thiết của bà là một ngày được bồng con theo chồng về quê nội. Thế nhưng, cũng chính những ngày đầu hoà bình đầy háo hức ấy bà ngất lịm trên sân nhà máy khi biết tin ông đã có vợ con ở quê nhà. Lúc tỉnh dậy, y sĩ bảo bà đang mang thai đứa con thứ hai... Mỗi lần kể tới đây, bà Sáu hay cười buồn như còn trách ông trời khéo làm sự trớ trêu.

Mọi người can ngăn việc bà định về nhà chồng. Nhưng nhìn cảnh người chị gái bao năm lo lắng cho bà, nay lại đau lòng vì bà. “Ở lại chỉ càng thêm gánh nặng. Bà cũng hẹn, nếu có gì sẽ ôm cháu về với chị. Vậy mà đi biệt, 30 năm sau khi chị sắp mất, bà mới dám về” - bà Sáu cúi đầu gạt nước mắt.

Cảnh chồng chung, gánh nặng gia đình lớn dồn cả lên vai bà. Hết công việc ở nhà máy, bà lại quần quật với đàn heo và cám bã. Con chung, nên lương được bao nhiêu bà đưa hết cho ông quản lý chi tiêu. Khi ông nghỉ hưu, đời sống cả nhà càng eo hẹp. Ngày con trai đầu của bà đi học đại học tận Nha Trang, ông chỉ cho được đúng tiền học phí. Bà khóc hết nước mắt: “Nhưng cũng không có tiền mà cho con, không có đồng nào cả”.

Chờ đợi, đó là thứ duy nhất bà có thể làm. Bà chờ ngày con cái khôn lớn “rồi ưng ở với đứa nào thì ở, cho ông ở một mình”. Thế nhưng, đó cũng lúc ông bắt đầu trở bệnh, rồi lú lẫn. Có lúc ông đổ cho bà lấy tiền của mình...

Chẳng biết bao nhiêu lần, bà Sáu sang nhà tôi tức tưởi, đòi bỏ lên nhà con trai lớn ở. Được dăm bữa nửa tháng, nghe ai nói “ở nhà không ai nấu cơm cho ông ăn”, bà lại về. Ông lẫn nhưng chỉ nhớ mỗi bà. Quát mắng cũng bà mà gọi cũng bà. Ngày trái gió trở trời, tiếng ông đau la vọng qua nhà tôi cả đêm. Vậy nhưng cũng chỉ mình bà nằm bên xoa ngực, đắp chăn, bật quạt. Đôi bàn tay bị nấm do ngâm nước lâu ngày, bà vẫn ráng để móng ở ngón cái, bảo “để còn bóc tôm, nấu cho ông ăn”.

Giờ, ông Sáu đã chìm sâu dưới vải liệm rồi. Bà vẫn ngồi bệt bên góc quan tài. Có lúc như mê, “Mai ông về quê rồi, xa lắm, bà không về mãi với ông được” - câu nói như xé ruột.

Ngày đưa tang ông, mưa vẫn mịt mùng. Nơi ông nằm ba bề là cánh đồng sũng nước, thấy thấp thoáng những con cò trắng, đứng co ro trầm mặc. Bất giác, tôi vịn vai bà Sáu như sợ bà sắp ngã quỵ. Từ nay, căn phòng nơi hằng đêm bà nằm nghe tiếng thở buồn của ông chỉ còn lại mình bà. Trong lớp áo sô lướt mướt, đôi vai bà Sáu nhô cao như cặp cánh một con cò trắng đứng ngoài kia, cặp cánh sinh ra trong đời để chịu đựng và đơn độc. 

Gợi ý dành cho bạn