MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Câu kinh ngập ngừng

NHẬT LỆ LDO | 25/12/2018 10:13

Mùa hè năm ấy, trong chuyến đi tới Bồ Đề Đạo Tràng (Ấn Độ), tôi tình cờ bắt gặp hai vị sư đang đứng trước bức tượng Phật nhỏ.

Đợi mọi người đi hết, vị sư già hỏi sư trẻ: “Sao nãy đệ không hôn lên chân ngài?”. Vị sư trẻ đỏ mặt, ngập ngừng. Sư già giục “Làm đi, còn đợi gì nữa”. Nể lời sư huynh, vị sư trẻ cũng tiến tới bức tượng Phật, quỳ lạy một lúc, nhưng lạy xong lại đứng sững như trời trồng. Vị sư huynh chừng như hiểu ý, bèn nói: “Hay thật, chắc đệ nghĩ đó chỉ là bức tượng để người ta chiêm bái thôi phải không? Hễ vật thể nào được chiêm bái, ngưỡng vọng thì hẳn sẽ được linh hóa. Hay đệ nghi ngờ bức tượng đó không được Đức Phật hóa thân”?

Vị sư trẻ cúi đầu, đột nhiên ngẩng lên nhìn thẳng vào mắt vị sư già, cái nhìn muốn khoan sâu nội tâm của người kia, như muốn chộp lấy cái khoảnh khắc lóe sáng của đức tin là có thật. Rồi thủng thẳng: “Đệ chưa thể làm điều đệ không cảm thấy đã chứng thực, nhưng đệ có thể làm vì nỗi lo lắng của huynh”.

Vị sư già nghiêng tai trước gió, như muốn hỏi thầm mình điều gì chỉ ông mới hiểu, rồi giục sư đệ mau bước theo đoàn người.

Tôi dừng lại giây lâu bên bức tượng, chợt nhớ đến gương mặt bừng đỏ của vị sư trẻ. Hành trình bên trong đều do mỗi người cảm nhận, không thể chờ đợi những ma lực bên ngoài.

Một thời gian sau, tôi gặp được thầy Minh Niệm. Vị thầy còn khá trẻ này trả lời khá thẳng thắn những câu hỏi về đức tin. “Vì sao thầy lạc hết môn phái này, rồi môn phái nọ, tu chính thống, rồi chuyển sang thiền?”. Đáp: “Bảy năm theo Phật giáo Đại thừa, nhưng tôi vẫn thấy những kiến thức cao siêu ấy chưa có cơ duyên thấm sâu vào hơi thở và đời sống, nên khi đối đầu với tai nạn lớn nhất trong đời - song thân qua đời cùng một lúc - tôi ngã quỵ và nhận ra mình vẫn chưa đi được bước nào trên con đường chuyển hóa.

Thế là tôi quyết định tìm tới thiền. Hết học với thiền sư Ajahn Chah, lại đến học với thiền sư Thích Nhất Hạnh. Nhưng chỉ khi gặp được thiền sư Sao Tejaniya tại Hawaii, thuộc dòng Thiền Nguyên thủy - Vipassana, tôi mới bừng ngộ, lui về ở ẩn nơi thâm sơn trong 3 năm để bắt tay vào việc chạm trán với phiền não của mình. Vài năm sau, tôi tạo ra lối thực hành thiền sống động cho riêng mình, có tên là Thiền hiểu biết”.

“Nhưng vì sao thầy không cho người ta gọi mình là thiền sư?”- tôi vẫn băn khoăn. “Vì tôi cảm thấy mình vẫn đang tu tập, mà đã đạt đến chữ “thiền sư” thì e là người ta quên mất mình đang hành đạo. Đạo là tu tập mỗi ngày, đối diện với chính mình mỗi ngày”.

“Đối diện với chính mình” thật khó, mà cũng thật thú vị vì đó là thử thách mà ai cũng rồi phải trải qua. Hai vị sư hành hương ở Ấn Độ, cùng vị sư tôi gặp dường như luôn phải tự hỏi mình mỗi ngày, cởi bỏ gánh nặng đức tin mà thay vào đó là sự chứng nghiệm để tâm hồn họ không ngừng lớn dậy. Nên nếu ai đó còn ngập ngừng đọc tụng, ngập ngừng trước việc gieo mình nơi tượng Phật, thì cũng có thể đơn giản là họ còn phải trải qua một chuyến đi dài trong tâm thức của mình mà thôi.

Gợi ý dành cho bạn