MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Chạy đi Thanh ơi!

ĐỨC LỘC LDO | 09/03/2018 06:28

Tôi sinh ra chân tay yếu và người còi cọc nên những thú vui của đám bạn như đá bóng, đánh trận tôi không ham lắm. Tôi thích đánh cờ, làm xe ôtô từ lá dứa hay đào dế hơn, vì thế tôi quen Thanh và Hiệp.

Thanh ở gần nhà tôi, sinh ra đã ngẩn ngơ, hơn tôi hai tuổi nhưng học đúp lớp một. Hiệp ở cuối làng, không dị tật nhưng học không chịu nhớ mặt chữ, luôn lẫn lộn i ngắn, y dài. Tóm lại, cả ba chúng tôi không bình thường, đi với nhau lúc nào cũng bị trêu “bọn ngỗng”.

Làng tôi ở gần một bến sông nhiều huyền thoại. Những người già trong làng thường kể về câu chuyện ma quái rùng rợn gắn với con thuồng luồng hay bắt con nít. Ít đứa nào dám bén mảng đến đó trừ tôi, Thanh và Hiệp. Với chúng tôi thế giới ma mị ấy là những năm tháng chơi đếm lá, trường kỳ kháng chiến hay ngăn đìa tát cá.

Kệ thuồng luồng trăm tay nghìn mắt, chúng tôi có ba người, luôn bảo vệ và che chở lẫn nhau.

Cũng nơi đây, năm lớp 6 chúng tôi “kết nghĩa vườn đào”. Lần đó, tôi đề xuất cả ba đọc lời thề y hệt phim chưởng: “Tuy không sinh cùng ngày cùng tháng nhưng nguyện chết cùng tháng cùng ngày”, Hiệp với Thanh nghe chết sợ quá không đồng ý bảo đổi lời thề khác. Tôi ngồi nghĩ mãi không ra thì Thanh lên tiếng: “Thề rằng đứa nào bỏ bạn thì làm con chó”. Chúng tôi gật gù, cười vang cả bến nước. Hôm ấy Thanh lớn tuổi nhất được gọi tỉ tỉ, tôi được thằng Hiệp gọi sư huynh, còn nó an phận đóng vai đệ đệ.

Lên lớp 7, tôi bắt đầu có những đổi thay trong cơ thể, tôi để ý và thấy thinh thích cô lớp phó học tập. Hiệp và Thanh cũng thế, chỉ có điều hai đứa thích nhau. Một lần, Hiệp bảo sau này học xong sẽ cưới Thanh, tôi cười nói lại: “Bay cưới nhau bỏ tao thì làm con chó”.

Năm chúng tôi lớp 8, lão Xuân ở làng bỗng dưng phát rồ, lão ngày ngày đi lang thang thấy con nhà ai, bất kể lớn bé gái trai đều đuổi bắt, véo đến thâm thịt. Lão trở thành ác mộng, chúng tôi đi học, đi chơi, đi chăn bò đều lo ngay ngáy. Một bữa, ba chúng tôi chăn bò về muộn, không biết từ đâu lão đã đứng sẵn ở bến nước, miệng cười khì khì. Tôi và Hiệp co giò chạy, ngoảnh lại thấy Thanh vẫn đứng chôn chân. Chúng tôi đứng đó gào lên: “Chạy đi Thanh ơi, chạy đi”. Nhưng không kịp, Thanh cuống chân nhảy xuống bến nước, trên bờ lão Xuân vẫn cười khì khì.

Người làng chạy tới kéo Thanh lên, mặt trắng bệch. Cha mẹ Thanh ngồi khóc ngất, ai đó dốc Thanh ngược lên, nước từ miệng chảy ra ồng ộc. Thanh tỉnh lại mà ngẩn ngơ hơn. Người làng tôi bảo thuồng luồng lấy hồn Thanh đi rồi. Họ mang ra chén cơm úp, với quả trứng luộc bóc vỏ, thắp nhang, gọi hồn. Hồn về mà Thanh càng ngơ ngẩn thêm, chẳng nhớ ai, chẳng nhớ tôi hay thằng Hiệp.

Thanh phải nghỉ học, Hiệp học xong lớp 9 cũng bỏ ngang. Ngày tôi học lớp 12 Thanh đã trở thành một thiếu nữ cao hơn tôi nửa cái đầu. Thanh đẹp và sắc sảo, chỉ mỗi tội thất thường, ngày ngày lang thang hát cải lương Lan và Điệp. Mấy gã thanh niên uống rượu trêu, lần nào cũng bị Thanh chửi lại, Thanh cứ chống nạnh lên mà chửi, chửi hết đời này qua đời khác, chửi đến khi đám thanh niên bỏ đi thôi.

Tôi vào năm nhất đại học, Hiệp cưới vợ. Tôi hỏi Hiệp có mời Thanh không, Hiệp bảo Thanh còn nhớ ai nữa đâu mà mời. Rồi Hiệp kể chuyện Thanh có bầu, không biết con ai.

Năm ngoái, Hiệp gọi điện nói Thanh lấy chồng rồi, cũng một gã hơi ẩm ương. Đêm tân hôn Thanh trốn về nhà mẹ, rồi mấy tháng sau cha mẹ đều mất, Thanh lại về nhà chồng, đứa con nhỏ anh em ngoài Hà Nội nuôi giùm.

Tôi ngồi nhớ Thanh, nhớ lời thề năm nào, không biết trước những sóng gió cuộc đời có ai bên cạnh bảo Thanh chạy đi hay không?

Gợi ý dành cho bạn