MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tranh: Lê Thiết Cương

Chim mồi và bà mẹ

ĐỨC LỘC LDO | 30/07/2018 08:17

Xóm trọ của tôi nổi lên một thú vui: Nuôi chim cu gáy. Trước đó phòng nào cũng nuôi chim, không chích chòe thì chào mào, không sáo thì vẹt. Nhưng nuôi cu gáy thì đặc biệt, như mấy ông bảo đó là thú “gác cu” kiếm ra bạc triệu.

Các bà vợ lúc đầu không tin, họ nói đó là cái cớ của mấy lão trốn việc nhà. Bằng chứng cứ cuối tuần các ông lại kéo nhau vọt ra ngoại thành để đánh chim hoang. Với một con chim cu mồi cùng chiếc bẫy tự chế, họ chẳng thèm về, “chẳng biết có phải gác cu không hay là gác thứ “khỉ gió” ở bụi bờ nào, ma biết”, có bà bóng gió thế.

Họ nói thế, nhưng rồi khi các ông trở về, sào lưới trên vai quẩy chiếc lồng, tay xách xâu chim gáy có giá cả triệu bạc, lúc ấy, bà nào cũng mắt cười, miệng cười, xăng xái như trẻ con sắp được chia bánh đa.

Các ông quý những con chim mồi lắm. Nâng như nâng trứng, hơn cả chăm vợ chăm con. Chú Hoán tôi chơi thân cũng có một con chim mồi được bầu chọn là loại hiếm nhất. Tôi thường lân la sang đó trà lá, hóng chuyện giới gác cu và nghe chú ca tụng về con chim mồi thuộc hàng “kim bất hoán” của mình. Chú Hoán bảo con này gáy tới lèo năm, giọng kim, thổ đúng như Truyện Kiều diễn tả, chim hoang thi nhau lao tới, con trống chết vì mải tranh giành, con mái chết vì mê mẩn.

Rồi như muốn mở mang đầu óc cho tôi, chú Hoán ngâm: “Ở đời có bốn cái ngu/Làm mai, nhận nợ, gác cu, cầm chầu”. Thời buổi chen chúc này, xách lồng ra nằm khểnh dưới trời xanh mây trắng, ngửi gió đồng đã đủ sướng, cứ mỗi cú lưới sập đã cầm chắc bạc triệu về cống mẹ đĩ rồi, liệt nó vào “cái ngu” thì ngu ở chỗ nào nhỉ. Vừa nói chú vừa chỉ chiếc lồng đang nhốt cặp chim cu mới đánh: “Cặp kia giá ngang ngửa lương nhà nước của cậu rồi”. Tôi chỉ biết cười trừ.

Một ngày chủ nhật, chú Hoán không đi đánh chim như thường lệ. Thấy lạ tôi hỏi, chú bảo ở nhà để đón mẹ từ quê vào. “Chẳng giấu gì cậu, anh sắp xây nhà, đón bà vào nhập hộ khẩu miễn được khối tiền thuế” - giọng chú Hoán hồn nhiên như không. Tối đó tôi được mời qua phòng nhậu. Chú Hoán vẫn thói quen rượu vào lời ra hết chuyện nhà qua chuyện chim, lại lôi con “kim bất hoán” ra bình. Vợ chú ngồi bên vừa hỉ hả vừa chỉ trỏ “nhờ con chim này mà có tiền tiêu đấy cậu nhá. Chồng người mê gái, chồng mình mê chim. Hí hí”.

Chỉ riêng bà cụ ngồi một góc trệu trạo nhai cơm mặt buồn xa vắng. Tôi đoán ngày đầu tiên lên thành phố bà đang nhớ quê.

Bỗng bà cụ buông lời: “Anh giam giữ chim làm gì, ngày xưa ở quê anh làm chết bao nhiêu con. Tạo nghiệp đấy”. Câu nói của bà khiến vợ chồng chú Hoán tái mặt, tôi thì thấy rơi vào tình thế đi hay ở đều dở.

“Mẹ biết gì mà nói. Con nuôi chim để đánh bẫy, thêm con cá lá rau”, chú Hoán đầy hậm hực. Giọng bà cụ như lạc bẫng: “Sống mà hại cả chim trời, thì chẳng bền đâu con ạ”.

Dứt lời, bà cụ lủi thủi bỏ lên gác xép. Tôi cũng về vì thấy mình chứng kiến vậy đủ rồi.

Mọi chuyện yên lành cho đến đúng một tuần sau, phòng chú Hoán bỗng xôn xao chuyện con chim quý chết, nó bị kẹt cổ, cứng đờ giữa hai nan lồng quang dầu vàng óng. Cánh bẫy chim xóm trọ ai cũng tiếc ngẩn ngơ, họ ước tính chú Hoán mất hàng chục triệu bạc. Giữa những tiếng ồn ào, tôi nghe tiếng vợ chú Hoán oán trách bóng gió, rằng tại có người độc miệng.

Gần trưa, đám đông giải tán, vợ chồng chú Hoán rồ xe máy đi. Tôi liếc nhanh về phía cuối dãy trọ, ở đó bà cụ ngồi trên bậc thềm như người mất hồn. Bên cạnh bà, một chiếc lồng trống nằm chỏng trơ. Có một con chim mồi khác vừa từ đó bay đi.

Gợi ý dành cho bạn