MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Chuyện dọc đường: Cái nhìn

LÊ TUYẾT LDO | 10/07/2017 06:35
Ngồi cạnh tôi trong lễ trao học bổng dành cho các em học sinh giỏi có hoàn cảnh khó khăn là người đàn bà tuổi đã toan về chiều. Da mặt bà loang lổ trắng đen, hàm răng hô, tóc buộc thành búi nhỏ, lưa thưa vài sợi bạc rớt xuống trán càng làm cho khuôn mặt bà thêm khắc khổ. Bà bật khóc khi thấy con gái bước lên bục nhận suất học bổng trị giá 2 triệu 500 ngàn đồng.

Con gái nhận học bổng, chỉ mình bà đưa đi. Chồng bà bị tai biến nên bây giờ người hơi tưng tưng, lúc nhớ lúc không. Ông đi bán vé số bị người ta giật hoài, toàn phải bỏ tiền nhà ra bù. Mà mỗi lần bù tiền, bà phải nói thiệt ngọt, hai mẹ con không được bày tỏ thái độ tiếc tiền, kẻo ông lại nghĩ ngợi bởi mỗi lần như thế lại đau đầu, rất hại. Hai mẹ con nhiều lần đề nghị ông ở nhà nhưng ông không chịu. Ông lý lẽ “đàn ông mà ở nhà, để vợ chèo chống một mình, càng khổ tâm hơn”.

Bà bán cơm tấm vỉa hè tại một trường tiểu học ở quận 8 đã hơn 15 năm. Trong cuộc chiến giành vỉa hè của thành phố, bà hai lần bị tịch thu cái xe đẩy cơm, phương tiện mưu sinh duy nhất của gia đình. Bà kể, giọng chẳng lấy gì làm buồn, trái lại còn thấy vui: Lần thứ nhất, các chú chỉ thu cái xe, còn để lại cơm cho tui bán. Học trò thấy thương bèn ùa đến mua, hết sạch 100 phần cơm. Lần thứ hai bị tịch thu xe, tui lên phường đóng tiền phạt lấy xe về. Ông Phó chủ tịch ủy ban nhân dân phường thấy tui bèn chào bằng câu hỏi: “Lại bị thu xe à, rồi ông cho tui 150.000 đồng để đi đóng phạt. Ông Phó phường còn dặn: Sau bán buôn nhớ coi trước ngó sau, bị thu hoài kiểu này, tiền đâu lo thuốc thang cho chồng, đóng học phí cho con”. Tui “dạ dạ” rồi thanh minh: “Tui đi chỗ khác rồi, lùi vô trong hẻm rồi mà không có ai mua. Ở vỉa hè, tui chỉ bán tới bảy rưỡi sáng là xong. Học trò vào lớp là tui đi về ngay, không lấn vỉa hè nhiều đâu”.

Chẳng biết ông Phó chủ tịch phường nghĩ gì, mà liên tục suốt cả tháng ròng, cứ gần 7g30 là ổng cưỡi chiếc xe máy cà tàng, chạy qua đoạn đường có vỉa hè đang bị lấn chiếm, kêu “Dọn đi. Dọn lẹ”. Mỗi lần thấy ông Phó chủ tịch đi ngang, mấy chị em buôn bán vỉa hè như bà phải lo dọn dẹp thật nhanh. Thế nên, những ngày “cuộc chiến vỉa hè” ở Sài Gòn nóng như chảo lửa, bà vẫn bình yên bán cơm, kiếm đủ tiền nuôi con đi học và lo thang thuốc cho chồng. Đôi khi còn có dư để bù vào tiền vé số bị quỵt.

Trong lễ trao học bổng, con gái bà thật xinh đẹp, người thanh mảnh, tóc dài ngang vai.

Nhận phần thưởng danh dự, đôi mắt đen láy của em hướng về phía mẹ đang ngồi. Đại diện học sinh phát biểu, giọng em run run: “Con cảm ơn mẹ. Cảm ơn ba”.

Bà nhìn con, cười, khuôn mặt giãn ra hết cỡ: “Nó chịu khó lắm cô. Đi học cả ngày nhưng cứ hai giờ sáng thấy tui dậy sửa soạn đun nấu là thức giấc liền. Nó phụ vo gạo, rửa dưa leo, chia nước mắm… Nói thế nào cũng không chịu vào ngủ. Mười năm liền là học sinh giỏi rồi”. Bà bảo, nhờ con bé ngoan chăm ngoan nên các chú ở phường rất thương. Lần nào gặp bà, các chú cũng dặn: “Ráng cho con nhỏ đi học, chúng tôi ở trên này, giúp được gì sẽ cố gắng hết sức”.

Rồi bà hạ một câu: “Đời mình khổ nhưng chịu nhìn rộng ra một chút thì có lắm chuyện vui, đáng để sống lắm cô ạ”.

Gợi ý dành cho bạn