MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh: LĐO

Chuyện dọc đường: Những vết roi

Lê Thanh Phong LDO | 07/07/2017 08:41
Bia ôm karaoke ở Sài Gòn - chừng 10 năm trước - cái loại hình bia bọt này thịnh vô cùng. Nốc bia vào là hoa tay múa chân, hát hò lung tung, hát thì dở mà múa minh họa với các cô gái phục vụ thì hay.

Bạn bè gọi tôi đến, vì hôm nay có một anh bạn Việt kiều Mỹ, người Huế, là khách phương xa. Trong căn phòng nhố nhăng ánh sáng nhấp nhấp nháy nháy mờ mờ tỏ tỏ đầy thỏa hiệp đó, anh ngồi thu lu không nhúc nhích, có vẻ như anh không thích, nhưng vì nể tình bạn bè mà chịu trận. Tiếng giật nắp lon bia bụp xòe, tiếng cười xoe xóe của các cô gái, tiếng hét thay tiếng hát của mấy gã thấm men. Không hiểu vì sao người ta có thể thích thú một không gian “nghệ thuật” như vậy.

Cuối cùng thì có vẻ như anh không chịu nổi, đứng lên nói đôi lời cám ơn, và xin tặng bạn bè một bài hát trước khi có việc phải về. Mọi người vỗ tay, đưa cái míc và cuốn sổ danh mục bài hát để anh chọn bài. Anh lắc đầu, mở cửa gọi đưa vào phòng cây guitare, lịch sự nhờ tắt nhạc dàn máy. Và tiếng ca vút lên: “Cô láng giềng ơi! không biết cô còn nhớ đến tôi. Giây phút êm đềm ngày xưa kia khi còn ngây thơ. Cô láng giềng ơi! Tuy cách xa phương trời tôi không hề. Quên bóng ai bên bờ đường quê. Đôi mắt đăm đăm chờ tôi về”.

Cả phòng lặng phắt. Thực tình, trong cái không gian hỗn độn ấy, để bắt mọi người nghiêm túc quay trở lại với trật tự, êm đềm, đằm thắm, thưởng thức nhạc xưa lắc xưa lơ như vậy quả không dễ. Chỉ có giọng ca thật hay, tiếng đàn thật ngọt mới thuyết phục được mấy gã say lơ mơ và mấy em chỉ mong giật thật nhiều nắp bia phải im lặng lắng nghe. Và thật lạ, mọi người nghe say sưa, cái “hộp bia ôm” bỗng dưng trở thành nơi nghe nhạc thính phòng.

Với tôi, anh không chỉ hát, mà gửi gắm trong đó cả một trời tâm sự. Bước chân giang hồ xứ người của gã nghệ sĩ như anh đã không hề dễ dàng, đầy nhớ nhung và nuối tiếc về một cô láng giềng năm xưa, về hương ấm quê hương. Tiếng hát của anh như quất vào chính anh, tả tơi tâm hồn, xác xơ kỷ niệm. Anh gục xuống trên chiếc thùng đàn, rung rung đôi vai.

Rồi anh về Huế, dù có muốn trốn chạy khỏi cái hàng tường vi ngày nào đôi ta cùng đứng cũng không được, bởi vì trong căn nhà cạnh đó có mạ anh đang chờ. Mạ anh đã gần 90 tuổi, mong thằng con trai lưu lạc bao năm tưởng như đã vùi xác trên biển, nay trở về với mạ. Còn hạnh phúc gì hơn.

Chiều đầu tiên trở lại Huế, anh mãi theo bạn bè, ai cũng quý, ai cũng lâu ngày gặp lại, chén tạc chén thù. Tôi với anh chuếnh choáng, hai thằng lang thang hết con đường này đến con đường khác, anh kể những kỷ niệm ngày xưa với nàng - cô láng giềng ngày ấy nay không còn.

Tôi đưa anh về nhà. Đã 9 giờ tối nhưng mạ anh vẫn còn ngồi nhai trầu, bên cạnh là mâm cơm được đậy cẩn thận bằng chiếc lồng bàn bằng tre rất sạch sẽ. Tôi từng nghe anh kể, từ khi còn trẻ, cái chất mệ Huế thấm đẫm trong mạ anh. Con cái đi đâu phải về đúng giờ, mạ chờ cơm cho đến khi con về mới ăn. Về trễ thì mạ đánh đòn, quất xong mấy roi rồi mới cho ăn cơm.

Anh đẩy cửa bước vào. Mạ nói rất khẽ: “Bắt mạ chờ cơm lâu rứa con. Lên giường nằm xuống đi con”. Anh nằm lên giường, kéo quần xuống quá mông, một người đàn ông hơn 60 tuổi chờ mạ đánh đòn. Mạ cầm cây roi quất xuống: “Đi chơi về trễ nì, bắt mạ chờ cơm nì”. Cũng chiếc roi năm xưa, cũng lời dạy năm xưa. Anh úp mặt vào gối khóc rống lên như đứa trẻ. Mạ anh cũng khóc.

Tôi bước ra đầu ngõ, mắt cay như có muối xát.

Gợi ý dành cho bạn