MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Chuyện một người của hai thế giới

KHƯƠNG QUỲNH LDO | 20/04/2018 06:52

7 giờ tối, Đà Lạt bắt đầu trở lạnh và sương mù dày đặc.

Đúng lúc bạn tôi định đóng cửa quán cà phê thì dáng liêu xiêu của “người điên” xuất hiện. Ông ta thường chống can tới đây vào buổi tối. Nhìn từ xa, ngỡ ông đang dùng can để gạt màn sương mà đi.

Thi, chủ quán - bạn tôi đứng sẵn để đón ông: “Chú Tư vô nhà chơi cho ấm”. Ông gật đầu nhận lời, nhưng không vội bước vào quán mà đứng ngoài bậc cửa, tay cầm một bông hồng màu đỏ: “Tui đến tặng cô bông hồng đỏ cô thích đúng không?”. Thi cười, đón lấy bông hồng và đi đổi nhạc. Là bản nhạc ông thường nghe, những ca từ xa vắng trong “Dạ khúc cho tình nhân” của Uyên - Phương.

Ông ngồi gần lò sưởi, run run đưa tách càphê sữa nóng lên miệng một cách khó nhọc. Chúng tôi đoán ông bị chứng parkinson của tuổi già hoặc từng trải qua một cơn tai biến nào đó và rõ ràng là không khùng như cái tên “Tư khùng” mà ông vẫn tự nhận. Ở ông vẫn thấp thoáng những cử chỉ lịch sự và có phần lãng mạn của những trí thức Đà Lạt xưa. Lần nào, ông cũng mang đến cho cô chủ nhỏ một món quà để đổi lấy tiền càphê, khi trái bơ, khi quả trứng, khi thì một bông hồng vừa chớm nở.

Cuối tuần trước, một cô gái trẻ xinh đẹp bước vào quán, ngồi rất lâu. Đến khi khách gần về hết, cô mới khẩn khoản tới gặp chủ quán. Cô nói mình là cháu ngoại của ông Tư và xin được trả tiền càphê từ trước đến giờ ông đã uống. Bạn tôi không nhận: “Những món quà ông tặng cũng đã đủ tiền càphê rồi”. Cô gái mỉm cười, đôi mắt ánh lên hàm ý cảm ơn. Nhân tiện Thi hỏi về ông Tư.

Thì ra, hai ông cháu chuyển từ Sài Gòn lên Đà Lạt và sống trong căn nhà gỗ cũ kỹ cách quán càphê khoảng hơn trăm mét. Đà Lạt từng là nơi ông dạy học, theo đuổi bà và có những ký ức hạnh phúc. Sau này, khi các con đã lớn, ông bà mới chuyển xuống Sài Gòn. Hai năm trước, bà mắc bệnh ung thư dạ dày. Suốt một năm trời bà chống chọi với bệnh tật, ông không một phút nào rời vợ. Bà mất, ông trở nên ít nói và dường như không còn minh mẫn nữa. Rồi ông bị tai biến. Sau cơn thập tử nhất sinh, nhiều đêm, cả nhà giật mình thấy ông lò dò chống gậy đòi đi dạo ở Hồ Xuân Hương. Ông tưởng mình vẫn đang sống ở Đà Lạt - nơi có những tháng năm đẹp đẽ nhất của cuộc đời.

Cả nhà tranh cãi việc có nên đưa ông đi điều trị tâm thần hay không. Cuối cùng, mẹ cô quyết định mua lại một căn nhà nhỏ ở Đà Lạt và bố trí căn phòng riêng của ông với những vật dụng thật cũ. Mẹ cô cho rằng đó là cách trị liệu tốt nhất cho bố mình. Tiện thể, cô cháu gái lên cùng để chăm sóc ông và học đại học. Ra thế.

Đêm nay, lúc ông Tư uống xong ly càphê thì sương phủ càng dày đặc hơn. Nhìn bóng dáng ông chìm dần trong màu trắng sữa, tôi chợt nghĩ, ký ức của mỗi người cũng như sương, sẽ làm nhòa đi nhiều thứ. Với ông, con người của hai thế giới, càng có đặc quyền được quên nhiều thứ, trừ một thứ duy nhất không bao giờ tàn lụi, còn neo đậu họ ở lại với cuộc đời này.

Gợi ý dành cho bạn