MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cô gái và cây bàng

TẠ BÍCH LOAN LDO | 28/07/2017 06:10
Tôi bước đi như chạy dọc hành lang dãy nhà ngục hun hút gió, cố gắng để thoát sớm ra ngoài bởi vì không chịu nổi cảnh tượng những bầy người da bọc xương trần trụi hoặc quần áo tả tơi, bị xiềng như súc vật dính chặt vào sàn đá (dĩ nhiên là những mô hình, tượng mô phỏng). “Họ” đã nằm ngồi như thế hơn một thế kỷ dài trên cái hòn đảo được mệnh danh “địa ngục trần gian” có tên gọi Côn Đảo.

Côn Đảo có 9 khu nhà giam. Nhà giam nào cũng có những cây bàng cổ thụ thân mình nổi u, gồ ghề, kỳ dị. Cây già nhất đã 140 năm.

Lá bàng rợp bóng mướt xanh dưới nắng hè. Mỗi cây mỗi vẻ đứng trầm mặc trong những khoảng sân rộng thênh thang bỏ ngỏ cửa sắt và bốt canh.

Từng đoàn khách du lịch đến đây để nhìn tận mắt và lắng nghe những câu chuyện hãi hùng của lịch sử . Họ đi rón rén đi qua gốc những cây bàng đầy quả rụng.

Cách cửa vào không xa, có một cô gái đã ra trước tôi từ bao giờ. Cô đứng tựa vào một thân bàng già nhất và ngước lên thì thầm với vòm lá. Tôi cố gắng lắng nghe...

“Sao thân cây đầy bướu thế?”

“Đó là vết hằn của những âm thanh ghê rợn đấy: Tiếng đập cửa sắt đồng loạt của lính canh - một thứ đòn tra tấn thần kinh, tiếng gào rú đau đớn của những người tù bị hành hạ trong chuồng cọp, tiếng hô đồng thanh phản đối đánh đập, chống ly khai cộng sản, phản đối chế độ thực phẩm khô mục... Ngày và đêm, không lúc nào không dội vào ta”.

“Vậy mà sao lá người xanh thế?”

“Ta xanh để những con mắt sau các vuông tường u tối kia đừng để tắt hy vọng sống”.
“Ở đây có trẻ con đâu, sao người trổ nhiều quả thế?”

“Để đêm đêm khi quả rơi, người ta nghe được tiếng vọng thân thuộc của quê nhà. Cô có tin như thế không?”

“Tôi chỉ không thể tin nổi sức chịu đựng của những người tù. Tại sao trong cái thế giới tịch diệt ghê rợn này, họ vẫn sống mà mơ ước được?”

“Bởi vì Đức tin đã kết họ lại thành một khối không sự man rợ nào tàn phá nổi. Cô có nhìn thấy những khẩu hiệu tranh đấu, những bút tích chống ly khai được viết bằng máu từ đầu ngón tay vẫn còn nguyên trên các bức tường không... Cô gái, sao cô lại khóc?”

“Ảnh ông tôi và các đồng chí của ông vẫn đang treo trên những bức tường ấy. Người trẻ tuổi đội khăn xếp chính là ông, em ruột của ông nội tôi”.

“Ta có biết. Ông ấy đã cùng ba người nữa vượt ngục từ nhà tù này trở về Sài Gòn tổ chức cuộc khởi nghĩa Nam kỳ và hy sinh đúng vào đêm trước của cuộc nổi dậy”.

Bây giờ, người ta gọi Côn Đảo là hòn đảo thiên đường bởi cuộc sống và vẻ đẹp thiên nhiên tuyệt vời ở đây. Chính những con người từng bị lưu đày ở chốn ngục tù ghê rợn này đã cùng dân tộc trả lại cho hòn đảo phẩm chất trời sinh của nó”.

“Người hệt như một pho biên niên sử sống “- cô gái thốt lên. Tôi lại nghe tiếng cây bàng già xào xạc:

“Nói thế có vẻ “to tát” quá. Thật ra ta cũng chỉ là một thân cây xấu số bị chôn chân giữa mảnh đất đau khổ. Và ta đã phải nhìn bao nhiêu con người từ cái nhà ngục này đi ra bãi bắn. Lần nào, cũng chỉ biết lặng lẽ thả xuống một chiếc lá thay cho lời vĩnh biệt. Những chiếc lá trên thân ta, có chiếc xanh như tóc, có chiếc đỏ như máu”...

 

Gợi ý dành cho bạn