MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh: Dân trí

Cố hương yêu dấu

THANH HẢI LDO | 09/10/2017 06:34

Tôi nghe rõ bước chân mình dội vang trên nền gạch cổ, cả tiếng gió lướt đi trên mặt nước cạnh cầu ao. Bạn giới thiệu, cây cầu đá này hơn 200 năm tuổi, cây gạo hoa đỏ đầu cổng làng kia cũng đứng đó không dưới trăm năm. Đi dọc qua các nhà thờ họ tộc, đến nửa ao làng mà chỉ thấy bóng dăm ba đứa trẻ lấp ló sau bụi chuối, tò mò nhìn khách lạ.

- Thấy có thân quen không? - đột nhiên bạn hỏi, tôi cũng hiểu lơ mơ rằng, có lẽ đây là ngôi làng cổ đặc trưng của làng xã phía Bắc.

- Làng này lên phim Thằng Bờm đấy! - mặt bạn vênh lên rất ngộ. Cách Hà Nội chưa đầy 50 cây số, làng Nôm ở xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm (Hưng Yên) phong quang, êm đềm lạ. Làng chỉ còn các cụ già, trẻ con và mấy người khuyết tật. Thanh niên đều lên phố học hành, hoặc đi xa lập nghiệp.

Tôi theo bạn về làng Nôm lần ấy là để làm lễ trưởng thành. Lúc đó, bạn ba mươi tuổi nhưng cũng chỉ mới về quê được năm bảy bận, bởi cha của bạn đã vào miền Nam lập nghiệp từ khi còn chưa có gia đình. Mâm lễ có hoa quả, trầu cau, mấy đòn giò chả, rượu, những nghi thức giản dị nhưng đầy thành kính. Trưởng tộc đôi lần gọi nhầm tên, lộn địa chỉ của bạn khi tế lễ, nhưng ông cứ cười hoài, âu yếm nhìn đứa cháu nói giọng lạ hoắc. Ông bảo rất tự hào và hài lòng về đứa cháu biết lễ nghĩa, không quên cội nguồn. Vậy là đã trưởng thành.

Hôm UBND TP.Hội An công bố, 66 trong số 450 quả trứng rùa biển đầu tiên được đưa về từ Côn Đảo chuẩn bị nở, ông Nguyễn Sự - nguyên Bí thư Hội An - rủ báo chí ra bãi Bấc để đưa tiễn lũ rùa con xuống biển. Ông Sự khoe, đây là trường hợp đầu tiên tại VN thực hiện bảo tồn chuyển vị rùa biển từ Côn Đảo về Cù Lao Chàm trên quãng đường dài hàng nghìn cây số, bằng cả đường không lẫn thuỷ bộ. Rùa biển giờ là loài quý hiếm, thuộc danh sách cần được bảo vệ nghiêm ngặt của thế giới. Nếu bảo tồn thành công sẽ làm phong phú về đa dạng sinh học, vừa tạo ra sản phẩm du lịch có giá trị cao về kinh tế và văn hoá. Kết quả hôm nay chỉ sự khởi đầu.

Lũ rùa con mới nở, bốn vi nhỏ xíu, mong manh. Chúng khó nhọc di chuyển những bước đi đầu tiên trên cát. Hai con mắt mở to có vẻ lệch với tỉ lệ thân hình bé con. Như đã hẹn với nhau, cả ổ trứng nở rộ cùng lúc. Rồi bầy rùa con phăng cát, đi về phía sóng. Chúng đợi nhau ở mép nước, đến khi đủ cả đàn rồi cùng nhau giương cao những cái đầu bé tí, hướng về núi, nhìn thật lâu trước khi xuống biển. Ông Nguyễn Sự giải thích: Sở dĩ lũ rùa nhìn rất lâu về bờ là để ghi nhớ nơi sinh ra của mình. Bởi khi bơi ra biển, phải đến 30 năm sau, lúc rùa trưởng thành, chúng mới tìm về bãi cát này để đẻ trứng. Rồi ông chợt chua xót, ngoài khơi thì ngư dân giăng lưới, khoanh biển nuôi trồng thuỷ hải sản, trên bờ thì lại giao các bãi biển cho nhà đầu tư xây khách sạn, làm resort. Như vậy có khác nào rào cổng, phá nhà của rùa biển. Nếu làm tốt công tác quản lý nhà nước, quy hoạch có tầm nhìn lâu dài, đến 30 năm sau vẫn giữ được bãi biển này để lũ rùa về sinh nở thì lúc ấy mới gọi là thành công.

Chuyến ấy, bạn thật phước hạnh, mỗi lần về quê lại được đặt chân lên cây cầu đá mấy trăm năm. Bãi biển hoang sơ Cù Lao Chàm, hay vùng rừng nguyên sinh trên bán đảo Sơn Trà quê tôi cũng vậy, đó là mái nhà, là cố hương của bao loài động vật hoang dã như lũ rùa mai sau. Gìn giữ thiên nhiên này cũng giống như việc người ta đang nỗ lực trùng tu các di tích kiến trúc cổ, bảo tồn các giá trị văn hoá ở các miền quê. Để có những làng Nôm - nơi bạn tôi về đội mâm lễ tiên tổ khi đến tuổi trưởng thành.

Gợi ý dành cho bạn