MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cơm áo nhà quê

THANH HẢI LDO | 25/09/2017 06:40

Vừa chui ra khỏi rừng là lúc cơn giông chiều ập xuống. Đầu nguồn bờ đông sông Tranh như trút nước, nhưng bên kia, từng vạt nắng vàng ươm trải dài như trêu ngươi chúng tôi. Thoát được lũ chiều, song cái mệt mỏi đường xa và cơn đói cồn cào bắt đầu hành hạ.

Bà Cả Sơn nấu sẵn nồi cháo gà nóng hổi, bưng ra khi thấy bóng chúng tôi đã về tới đầu làng. Đúng là “buồn ngủ gặp chiếu manh”. Tôi hỏi xin cái đĩa để bỏ xương gà. Bà í ới gọi sai con út, “Con nhỏ, mới đó mà đi đâu mất tăm”. Thôi khỏi cần, chú cứ bỏ đại xuống đất cho mấy con chó nó gặm!

Bà Sơn dứt lời thì tôi mới để ý cái nền đất nhôm nhoam đầy bụi bẩn. Cái tôi giật mình là thói quen xin gạt tàn thuốc, đĩa bỏ xương đã hình thành từ lúc nào mình không nhớ.

Khi còn bé ở quê, cái nền đất nhà tôi cũng chả khác mấy so nhà Cả Sơn. Chúng tôi lê lết ăn nằm, vất rác tứ tung chứ có đâu được cái thói quen lịch lãm, vệ sinh như bây giờ.

Dư Văn Tỵ loay hoay gặm cái chân gà nhưng có vẻ khó nhọc. Tỵ giải thích, cái tay em bây giờ bỗng dưng nhức quá. Có lẽ mai phải bắt xe xuống TP.Tam Kỳ tiêm phòng. Nếu bị chó cắn từ bụng xuống chân, thì trung tâm y tế huyện có thuốc, nhưng bị từ bụng lên đầu, gần tim thì ở trung tâm y tế dự phòng của tỉnh mới tiêm được. Là em nghe cô y tá ở trạm xá xã bảo vậy.

Tỵ là “thổ địa” ở Tiên Lãnh, người tự nguyện dẫn chúng tôi vào những cánh rừng phòng hộ vừa bị lâm tặc phá trắng 24 hécta. Tay này 35 tuổi mà mặt mày trông ở tuổi 53. Tỵ than khó: Ngày rừng còn nhiều, em làm nghề mổ thú thuê. Chủ yếu là heo rừng, chồn, cheo, mang, sơn dương...

Nhưng bây giờ chúng hết đất sống, em mất nghề. Gần đây em đi mua chó về mổ cho vợ bán. Hai hôm trước, bắt chó ở Tiên Lập, nó cắn cả lão chủ lẫn em, nhưng bận quá nên chưa đi tiêm phòng bệnh dại được. Lão chủ bảo chó đang hiền, không cần tiêm, em nghe theo, nhưng chừ đau quá cũng ớn. Tỵ cười hềnh hệch trông thảm hại. Bản mặt của người nghèo khó, nhọc nhằn như Tỵ giống khu rừng hoang vừa bị phát, đốt mà chúng tôi vừa đi qua.

Nhìn Tỵ, tôi nhớ mình. Ngày vào cấp 3, trường huyện tôi có 3 lớp 10. Đến 11 còn 2 lớp, vào 12 thì chỉ còn 37 đứa trong 1 lớp là trụ được. Số còn lại đều nghỉ học vì nhà nghèo. Hơn nửa lớp “hạt gạo trên sàng” đậu đại học. Dẫu vậy, vào đại học cũng rất oai. Cả họ tự hào. Nhưng đêm nằm tôi nghe mẹ thút thít với ba, bảo đã chạy vạy nhiều chỗ mà không mượn được tiền cho con ra phố học.

Hôm sau, bỏ nương bắp đang bẻ dở, ông bảo tôi theo lên núi lượm phế liệu, bán kiếm tiền nhập học. Hơn nửa ngày lội đến núi Bằng Bớm mà chẳng được mảnh sắt, miếng nhôm nào. Ba tôi chợt có “sáng kiến”, đốt rừng. Bằng Bớm vốn là căn cứ quân sự của Mỹ, có sân bay dã chiến. Đốt rừng thì phế liệu sẽ lộ thiên. Ông cẩn thận tìm được khe nước để hai cha con núp, rồi châm lửa.

Hơn 10 hécta rừng thành tro bụi. Đôi dép caosu duy nhất ba đã nhường cho tôi, ông lội chân trần trên đất nóng. Buổi chiều quần thảo, hai cha con tôi lượm được hơn 70 ký nhôm, cánh máy bay, nhưng đôi chân ông thì dộp phồng bỏng lưỡng. Số tiền bán nhôm hôm ấy vừa đủ nhập học, tôi cầm trọn lên đường. Ông khập khiễng tiễn tôi ra đầu ngõ, nhìn chân cha mà hai mắt tôi ướt nhòe. Chuyến xe gập ghềnh đường núi, mà tôi thấy quê nhà lùi dần, mờ êm như khói đốt rừng hôm trước.

Khi nghèo đói, cái người ta nghĩ đến trước tiên là miếng ăn. Cũng như Tỵ, vì tiếc mấy trăm ngàn mà không đi tiêm phòng dại. Chợt tôi thấy lo cho những nông dân đốt phá rừng, lấy đất sản xuất hôm nay. Không chừng họ bị lâm vào vòng lao lý.

Gợi ý dành cho bạn