MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Con gái của người đàn bà câm

LÊ TUYẾT LDO | 15/06/2018 06:55

Hôm rồi về quê, tôi gặp chị Ngà. Lâu không gặp, chị Ngà không thay đổi mấy, vẫn khuôn mặt thanh tú, miệng nói cười giòn tan, duyên dáng của người vô tư lự.

Mẹ chị Ngà là một người đàn bà điếc, câm. Đến giờ tôi vẫn không biết mẹ chị Ngà tên gì, bao nhiêu tuổi, bởi khi tôi biết đến bà và chị Ngà thì cái tên Bà Câm đã hằn in trong đầu. Xóm tôi là xóm mới. Bà Câm ở cuối xóm, một mình trong gian nhà tranh nhỏ xíu, giữa mảnh vườn lúc nào cũng xanh mướt. Xóm giềng ít đến nhà bà chơi bởi… bất đồng ngôn ngữ. Mỗi khi có người đến xin nắm rau mùi, cọng hành, vài trái ớt, bà lại ú ớ, khuôn mặt tươi tỉnh, ra dấu hái nhiều lên. Người ta bảo bà… thèm người, có người tặc lưỡi “kể bà có đứa con hủ hỉ sớm chiều thì căn nhà đỡ cô quạnh”.

Rồi Bà Câm có bầu. Đầu làng cuối xóm, đi đâu người ta cũng xì xầm về cái bầu của bà. Những người trước giờ vẫn hay đến nhà bà xin ớt, xin hành nay còn tiện thể thăm dò tác giả cái bầu kia. Nhiều bà vợ có chồng tính hay tòm tem thì như lên đồng, tra hỏi chồng mình. Có bà cao tay, nhờ ông già bà cả, chính quyền thôn xóm “triệu” Bà Câm lên truy tác giả cái bầu. Bà không nói, bà cũng chẳng cần nghe người ta hỏi điều gì, có lẽ chưa bao giờ người ta lại mong bà hết điếc, hết câm như thế! Phương án cuối cùng của các bà vợ đa nghi là chờ Bà Câm sinh con. Các bà chắc mẩm rằng, những đứa con được sinh ra trong hoàn cảnh “thậm thụt” như thế thì sẽ giống cha như đúc!

Bà Câm sinh con, là chị Ngà bây giờ. Chị Ngà có cái mũi, khuôn miệng nhỏ, đôi mắt to, đen láy. Chị Ngà càng lớn, càng giống Bà Câm như hai giọt nước, chỉ khác một điều, chị Ngà biết nói rất sớm, trời lại phú cho chị giọng hát rất hay. Chị đến tuổi cập kê, trai làng bắt đầu để ý, lượn lờ quanh nhà, huýt sáo cả đêm. Trong đám ấy, chị ưa anh Quang. Anh Quang đẹp trai, cao ráo, lại được học hành đàng hoàng. Nhà anh Quang được cả xóm trọng vọng bởi ba anh Quang từng làm cán bộ xã, bà con trong xóm có việc gì liên quan đến chữ nghĩa, pháp luật, đều nhờ đến ba anh Quang, ông giúp nhiệt tình, chẳng nề hà chuyện lớn nhỏ.

Nhiều chị trong xóm để ý anh Quang từ lâu nên dù ngoài miệng bảo chị Ngà, anh Quang đẹp đôi nhưng trong lòng hậm hực, nửa đêm ngửa mặt lên trời cầu cho đôi này giải tán sớm.

Rồi chị Ngà với anh Quang giải tán thật! Chị Ngà đột ngột đi lấy chồng. Qua mai mối, chị cưới một anh ở xã bên. Từ ngày lấy chồng, chị hiếm khi về thăm Bà Câm. Hơn năm sau, anh Quang cũng lấy vợ, ở hẳn trên tỉnh.

Hai năm trước, ba anh Quang mất. Gần đến giờ đưa tang, Bà Câm và chị Ngà xuất hiện. Bà Câm ra dấu, xin mẹ anh Quang tha thứ, mong bà hãy nghĩ đến “nghĩa tử là nghĩa tận” mà cho chị Ngà được để tang cha. Mẹ con Bà Câm không xin danh phận, bà cũng định bụng giữ cái bí mật này “sống để bụng, chết mang theo” nhưng còn chị Ngà, bà không đành lòng...

Gợi ý dành cho bạn