MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bên hồ Xuân Hương. Ảnh: Nguyễn Thị Thùy Ân

Đà Lạt cún nọ...

TUYỀN LINH LDO | 02/07/2018 06:55

1. Đi cách xa khỏi lồng chó hơn 300 mét đường vòng, chuẩn bị leo dốc ngoặt vào đường Hồ Tùng Mậu, đứa con sững chân, níu áo kéo tay “Mình quay lại đi. Mẹ mua con chó ấy tặng cho hai ông thầy chùa đi. Họ thích con chó ấy quá chừng”.

Ừ, quay lại chứ. Vừa đúng lúc, chị bán chó khoát tay “Thôi, tui tặng cho hai thầy con nhỏ này luôn đó. Hai thầy cưng nó quá trời mà. Nó cũng ưng hai thầy quá trời, quấn quýt hai thầy hoài”.

Hai nhà sư, mới tầm ngoài hai mươi cười lành phúc thiện “Mô Phật. Không dám nhận đâu cô. Cô bán chó, cũng nghèo mà…”.

“Để tôi mua tặng con cún này cho hai thầy”, tôi nói với chị bán chó. Chị lắc đầu, phẩy tay “Thôi, cứ để tui tặng cũng được mà. Con này coi bộ nó ưng hai thầy, nó muốn về chùa mà”.

“Thôi, để tôi mua tặng”. “Ừa. Cũng được. Vậy là phúc nó từ đây, qua đây, qua đây”, chị bán chó khoát tay một vòng. Chị bán chó cười. Tôi cười (phúc cái gì chứ, chỉ là món quà nhỏ), đứa con cười, hai nhà sư trẻ cười nụ lành phúc thiện. “Cảm ơn cô”. Nhà sư cầm lái xe máy cười sáng lành phúc thiện. “Hai thầy sẽ đặt tên nó là gì” - tôi hỏi. “Dạ, nó sẽ có pháp danh…”. Lúc đó tầm 9 giờ rưỡi sáng một ngày cuối tuần ven hồ Xuân Hương.

2. Trước đó, khoảng 9 giờ, thì hai đứa tôi tới ngay đường Trần Quốc Toản, ven hồ. Nắng sớm, chị bán chó áo đỏ rực như bông dâm bụt dựa hàng rào xanh vắt chân bên lồng chó chừng chục con lách nhách trắng bông đen tuyền vàng xù. Hai nhà sư trẻ cạnh bên, một ôm chó con lông vàng xù, xoa đầu nó, búng nhẹ mũi nó, rồi mỉm cười, một dùng điện thoại bấm cảnh đấy. Rồi họ lại “đổi vai”. Trời, lâu lắm tôi mới lại thấy những nụ cười lành tươi vui hân hoan trìu mến thương yêu đến thế. Và cún, rõ ràng là nó cảm nhận được cái tình của hai nhà sư trẻ. Nó ngước mắt nhìn họ, ngoáy tít đuôi, ư ử, rối rít liếm tay họ. Hai nhà sư còn trẻ quá không ngừng cười lành phúc thiện.

“Nhà chùa chưa nuôi chó?” - tôi hỏi. “Dạ chưa cô.” “Chó ở chùa ăn gì?” “Ăn cơm với tàu hủ, cô”.

3. Khoảng 11 giờ 30, hai đứa tôi lại đi ngang chỗ chị bán chó. Lồng chó đã vợi đi một nửa. Chị ấy bán tài thật. “Em sinh năm Thìn, tên Thìn luôn. Thìn Tuất Sửu Mùi - tứ hành xung, mà bán chó cũng được lắm á. Thứ hai tới thứ sáu em bó hoa ở Thái Phiên. Thứ bảy chủ nhật mới bán chó. Em làm kém, lương ngày có 300 nghìn đồng. Có đứa chăm chỉ, ngày lãnh 700-800 nghìn lận. Xứ Đà Lạt này nhiều việc, chăm chỉ là có tiền xài. Trời ơi, hai ông thầy chùa đó, em vừa mang lồng chó tới, hai ổng tấp xe vô, cưng con chó đó miết, cứ vuốt đầu nó một cái, lại đọc một câu kinh. Con chó đó có phúc, được về chùa.

“Thế sáng và trưa nay, chị cho chó ăn gì?” “Cơm và canh rau. Em ăn chay không vì theo Phật. Ăn chay vì mập quá”. Chị bán chó cười. Hai đứa tôi cũng cười. Đà Lạt, gặp được một người thật vui.

4. Về tới Sài Gòn là kể ngay chuyện cún Đà Lạt cho ông bạn già (đời). Ông này cười khá khá “Đúng là tư duy của người thi khối C, nghĩ bằng bụng. Chó thì phải ăn xương. Đưa nó về chùa, cứ tưởng thế là làm phúc, hay… đày đọa nó? Chó thì phải ăn xương!”. Ôi trời ơi, đâu có khả năng nghĩ “mặn” bao la triết học đời thường cao siêu mặc định tư duy chó/xương, phúc/phận, nhân/quả... Chỉ là thấy nhất định cún đó phải về với nhà sư đó.

Có những thứ tình cảm như một mối lương duyên.

Và Đà Lạt nào phải xứ chỉ cho những cặp người tình.

Gợi ý dành cho bạn