MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Dì Tấn có bồ

KHƯƠNG QUỲNH LDO | 02/01/2019 08:10

Dạo này cả xóm đi đâu cũng xì xào chuyện dì Tấn có bồ. Lão Hớn - người hồi trẻ tán dì hoài không được giờ có vẻ cay cú, biểu: “Cái hồi mơn mởn không chịu yêu, giờ hết xí quách mới yêu thì làm ăn được gì nữa?”. Ai nói gì, dì cũng kệ, bỏ ngoài tai hết.

Hồi đó chồng dì Tấn bỏ ba má con đi theo bồ nhí khi dì mới có hai mươi mấy tuổi, lúc da dì vẫn còn mịn, tóc còn dài chấm mông và đen óng. Nghe nói cô bồ của chồng dì là gái thành phố, không đẹp bằng dì nhưng nhà có ba làm lớn.

Từ ngày chồng bỏ đi, một mình dì đội nón lá đi làm mướn hết nhà nọ tới nhà kia. Có mấy người đàn ông thấy dì lam lũ, gạ gẫm: “Chỉ cần gật đầu là có người nuôi ba mẹ con, dễ ợt”. Dì không chịu, tự nhủ trên đời này làm gì có chuyện dễ ợt. Mấy bữa sau, dì cắt đi mái tóc đen dài, để tóc ngắn cũn cỡn vẫn còn những vết kéo nham nhở. Dì biểu: “Coi còn ai muốn theo không?”.

Vậy mà vẫn có người theo dì. Nhà dì Tấn ở cuối xóm, đường đất mùa mưa nhão nhẹt, phải lội sình mất cả đoạn. Có lần, chú kia ăn mặc bảnh bao, bỏ cả dép ra cắp nách để lội vô nhà dì. Nhưng vừa vô tới cổng đã bị hai đứa nhỏ đuổi đi. Ông phải lội sình trở ra, trông mặt tiu nghỉu, tồi tội.

Thấm thoắt, vậy mà một tay dì nuôi được hai đứa vào cấp 3. Hai anh em học giỏi có tiếng. Chúng càng học giỏi, dì càng lo. Dì sợ mai mốt sắp nhỏ đậu đại học, dì lấy đâu ra tiền cho con đi học, mà để nó ở nhà cũng không đành.

Khi thằng lớn chuẩn bị thi đại học thì bất ngờ chồng dì về. Người đàn ông rắn chắc năm nào giờ đã phát tướng khiến má con dì nhận không ra. Ông phải mặc quần âu có đai để đỡ cái bụng to nặng nề. Ông về nhưng không có ý quay lại với dì, chỉ động viên hai đứa nhỏ ráng học. Nếu đậu đại học, ông sẽ đón chúng xuống thành phố và lo mọi thứ. Lúc đi, ông để lại tấm “cạc”. Dì nheo mắt đọc, thấy trong đó ghi tên ông, số điện thoại với dòng chữ “Giám đốc” in đậm to đùng.

Chồng dì giữ lời hứa. Hai đứa con dì đều lần lượt đậu Đại học Ngân hàng, được ông đón xuống thành phố lo ăn học tới nơi tới chốn. Thằng anh ra trường được ba nó xin việc rồi phụ mua nhà mua xe. Nhưng cũng như ba, sắp nhỏ đi một mạch, chẳng mấy khi về thăm má.

Từ ngày chúng nó đi, dì mới thấy mình căn nhà cấp 4 như rộng ra mấy chục thước. Rảnh rỗi, dì lại mang xấp giấy khen của hai đứa ra treo đầy tường ngắm nghía, từ tấm giấy khen “bé khỏe bé ngoan” tới giấy đoạt giải Olympic lồng kiếng. Dì sắp tới sắp lui mấy bộ đồ của các con, rồi vục mặt vô như tìm hơi ấm của chúng vương vất đâu đó.

Mãi sau người ta mới thấy dì qua lại với một người đàn ông ở xóm bên đã lớn tuổi. Nghe đâu ông cũng một lần dang dở, hình như chính là cái người lội sình vô nhà dì năm xưa.

Một hôm, người đàn ông đó chạy xe tới chở dì đi chợ mua đồ nấu cơm để đãi thằng con trai lớn dắt vợ sắp cưới về ra mắt má. Tưởng nhà có chuyện vui, ai ngờ được một lúc đã nghe tiếng dì khóc rưng rức, tiếng quát giận dữ của con: “Má có biết con xấu hổ như thế nào không? Giờ má muốn gì con cũng lo được cho má, ngoại trừ việc qua lại với ông ta”. Một lúc sau, người đàn ông của dì thẫn thờ đi ra, vẻ mặt buồn y chang hai mươi mấy năm trước.

Mấy hôm nay, người ta thấy dì Tấn như mất hồn, đi chợ dì quên mang giỏ, nấu canh dì quên bỏ muối… Tới lúc tưới rau, tay dì tưới hoài tưới mãi một chỗ đến cây cải ngồng cũng muốn bong gốc trôi đi. Dì mải ngó trân trân ra ngoài ngõ. Mà ở ngoải đâu có ai.

Gợi ý dành cho bạn